(GLO)- Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại làng Krot Kret và Kdung 1 -đây là hai trong 3 ngôi làng của xã Hà Ra (huyện Mang Yang) đã từng bị “cơn gió độc” mang tên tà đạo “Hà Mòn” bủa vây. Trên con đường bê tông hóa dẫn vào 2 ngôi làng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những thanh niên trai tráng cặm cụi bên nương bắp, ruộng lúa; những đứa trẻ nô đùa trong sân và những cụ già ngồi bên hiên nhà trò chuyện, nói cười… Hình ảnh ấy đã nói lên rằng, 2 ngôi làng đã trở lại với sự bình yên vốn có.
Già Đớt trò chuyện với cán bộ Ban CHQS huyện Mang Yang. Ảnh: Anh Huy |
Từ khi tà đạo xuất hiện tại Krot Kret, già Đinh Đớt đã dành riêng ngôi nhà sàn bên cạnh ngôi nhà xây của gia đình để cho tổ, đội công tác của huyện, tỉnh xuống ở. Và giờ đây, ngồi trong ngôi nhà sàn ấy, già đã kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày Krot Kret bị kẻ xấu tấn công.
…Trước đây, người dân trong làng rất đoàn kết, chịu khó làm ăn nhưng rồi vì nhẹ dạ cả tin, một số người đã bị các đối tượng theo tà đạo “Hà Mòn” lôi kéo, xúi giục dẫn đến bỏ bê nương rẫy, tụ tập cầu nguyện trái phép. Chúng làm cho một bộ phận người dân mê muội, tin về một thế giới không có thực: không cần làm cũng có ăn, bị ốm đau, bệnh tật không cần chữa cũng khỏi… Chúng tuyên truyền để người dân xóa bỏ những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Bahnar; không nghe chính quyền nói, không nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không cho con em đến trường… “Cơn gió độc” ấy đã gây tâm lý hoang mang cho người dân trong làng và gây căng thẳng trong quan hệ gia đình, dòng họ, làm cho tình làng, nghĩa xóm bị tổn hại, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trở nên phức tạp. “Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác, nhờ các tổ, đội công tác của huyện, của tỉnh thường xuyên bám làng, vận động tuyên truyền nên người dân đã hiểu ra bản chất thật của tà đạo và quyết tâm từ bỏ, trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy”-già Đinh Đớt vui vẻ cho biết. Cũng theo ông, hiện nay người dân trong làng đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, một số đối tượng từng lầm lỡ giờ cũng trở thành nhân tố tích cực trong cộng đồng.
Ngoài Krot Kret, người dân ở 2 làng từng có tà đạo xâm nhập là Kdung 1 và Bơ Chăk cũng đã ký cam kết từ bỏ. Trở về sau những tháng ngày dài trốn chạy, Hrúih (làng Kdung 1) đã thấm thía thế nào là cuộc sống không cần làm cũng có ăn. Hrúih kể: Tháng 10-2014, vì nghe theo một số đối tượng trong làng dụ dỗ nên Hrúih đã bỏ lại cha mẹ già, cùng với ruộng vườn để đi tìm một “thế giới mới”. Nhưng ngay sau đó, Hrúih đã thấy hối hận vì thay bằng cuộc sống giàu sang như đã được hứa là những tháng ngày trốn chạy, những bữa ăn kham khổ, những đêm mất ngủ. Vì vậy, ngay khi nhận được thư động viên trở về của gia đình và chính quyền địa phương, Hrúih như được giải thoát. Ngày trở về, nhìn thấy cha mẹ già yếu đi nhiều, Hrúih đã khóc như một đứa trẻ. “Bây giờ ai rủ mình cũng không đi nữa. Mình sẽ cố gắng trồng bắp, trồng mì, trồng lúa trên diện tích đất của gia đình để có tiền lo cho cha mẹ già và dành dụm tiền để cưới vợ nữa”-Hrúih cười bẽn lẽn.
Chia tay chàng trai trẻ Hrúih, chúng tôi tiếp tục dạo quanh 2 ngôi làng để cảm nhận rõ ràng hơn về sự bình yên của mỗi nếp nhà sau cơn sóng dữ. Cùng đi với chúng tôi còn có ông Tuyn-nguyên Chủ tịch MTTQ xã Hà Ra và già làng Đinh Đớt. Nhìn những đứa trẻ nô đùa trên đường làng, ông Tuyn trầm ngâm: Những đối tượng từng lầm đường, lạc lối giờ đã quay trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên vì bỏ bê ruộng vườn khá lâu nên năng suất lao động sụt giảm, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Già Đớt tiếp lời, tuy người dân đã ký cam kết từ bỏ tà đạo, nhưng già và các cấp, các ngành vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong làng hiểu rõ hơn bản chất thật sự của tà đạo “Hà Mòn”, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để cho kẻ xấu có cơ hội quay trở lại lôi kéo, kích động người dân...
Anh Huy