Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng không quy định cụ thể về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, nhưng Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Ủy ban Thường vụ QH tán thành Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN. |
Sáng 23-11, với 94,9% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và 3 điều cụ thể trong dự án luật, gồm: công khai minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; công khai bản công khai tài sản; và nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Luật có hiệu lực từ ngày 1-2-2013.
Tổng bí thư làm Trưởng ban PCTN
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu rõ: hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành không quy định về Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) trong dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật PCTN.
Trong khi đó, theo Luật phòng, chống tham nhũng đang có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Về ý kiến của các đại biểu đề nghị thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN trong thời gian tới.
Phải kê khai tài sản tăng thêm
Vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trong thời gian qua về kê khai tài sản được quy định rõ: bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Tuy nhiên, hình thức công khai được người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức chọn công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 31-3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Một vấn đề khác về minh bạch tài sản, luật quy định bắt buộc người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm sau khi đã có bản kê khai tài sản.
Tuy nhiên, về việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Bởi vì trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định; còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật hiện hành họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc họ có kê khai hay không kê khai.
Về trách nhiệm công khai của Doanh nghiệp Nhà nước, luật có điều khoản quy định rõ, phải công khai cả họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước.
Theo nld