Con nghiện tăng theo diện “vô khẩu đa nghề”
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng số lượng người tạm trú tạm vắng trên địa bàn biên giới của tỉnh ta thời gian gần đây, song chủ yếu vẫn từ “nguồn” các công trình thủy điện, xây dựng hạ tầng nông thôn và lao động thời vụ cho các doanh nghiệp trồng cao su dọc vành đai biên giới. Vào những lúc cao điểm 7 xã biên giới thuộc 3 huyện Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông phải “gánh” thêm không dưới vài chục ngàn người. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mà chủ yếu vẫn là từ các tỉnh phía Bắc. Đất rộng người đông, nghề nghiệp không ổn định, “đụng đâu làm đó”, nhiều người trong số này thậm chí không đăng ký tạm trú tạm vắng, họ đến và đi không theo quy luật nào, dăm bữa nửa tháng lại thay đổi địa bàn nên rất khó quản lý. Trà trộn vào số “vô khẩu đa nghề” này là hàng loạt đối tượng có bề dày “chiến tích” bất hảo như tội phạm trốn lệnh truy nã, đối tượng tiền án tiền sự, trộm cắp, nghiện hút...
Điểm chơi bạc, đá gà bên kia Cửa khẩu Lệ Thanh. Ảnh: Bích Nga |
Thầm lặng trên trận tuyến phòng-chống tội phạm ma túy
Hoạt động mang tính chất nhỏ lẻ, song tội phạm ma túy trên vùng biên giới của tỉnh đang có chiều hướng ngày càng phức tạp và không loại trừ khả năng ma túy có thể “thẩm thấu” qua biên giới, cung cấp “hàng” cho con nghiện ở ngoại biên, hoặc theo chiều ngược lại, đặc biệt khu vực Cửa khẩu Ôza Đao (Campuchia), đối diện Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được phía nước bạn xây dựng trở thành trung tâm kinh tế mở với một số loại hình dịch vụ khá nhạy cảm như kinh doanh thương mại, sòng bạc, trường gà… Trung tá Trần Thanh Bình- Trưởng phòng Phòng- chống tội phạm ma túy-Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Lực lượng phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) Bộ đội Biên phòng tỉnh bước đầu đã khẳng định vai trò chủ công của mình trong công tác đấu tranh phòng- chống tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới, chúng tôi liên tục triển khai kế hoạch xác minh dấu hiệu nghi vấn vận chuyển ma túy qua biên giới, tổ chức sàng lọc địa bàn, xác định rõ từng đối tượng nghiện hút, bảo đảm đánh nhanh và trúng đối tượng khi tội phạm ma túy xuất hiện trên khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, lực lượng PCTPMT Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn Campuchia tổ chức điều tra khảo sát số đối tượng Việt kiều đang sinh sống tại thị xã Ban Lung, tỉnh Rattanakiri có dấu hiệu sử dụng chất ma túy, cũng như tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng Công an tại các địa bàn nội địa nhằm phục vụ cho công tác đấu tranh phòng- chống hiệu quả nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Nhờ đó nên hầu hết các vụ việc liên quan đến TPMT đều được điều tra xử lý kịp thời. Đầu tiên là vụ bắt giữ tên Nguyễn Quí Năng (SN 1976) ở Cổ Loa- Đông Anh- Hà Nội, lên khu vực biên giới thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai cung cấp ma túy cho các con nghiện tại chỗ. Dưới vỏ bọc là một thợ mộc có tay nghề vững chuyên làm hàng mỹ nghệ mang đi bán khắp các tỉnh thành trong cả nước, Nguyễn Quí Năng đã 5 lần mang “hàng trắng” từ vùng nội địa lên cung cấp cho các đối tượng nghiện ngập trên địa bàn. Tinh vi hơn, hắn còn làm giả một số loại giấy tờ mạo danh là quân nhân để đối phó với các cơ quan chức năng khi cần thiết. Tuy nhiên bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát PCTPMT Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lặng lẽ nắm chắc quy luật hoạt động của đối tượng, thu thập củng cố đầy đủ chứng cứ và bắt quả tang khi hắn đang “giao dịch” với các con nghiện. Khám xét trên người Nguyễn Quí Năng, các trinh sát thu giữ được 0,92 gam heroin cùng một số tang vật liên quan khác.
Lặng lẽ bám nắm địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng- chống hiệu quả các loại tội phạm, những người lính trinh sát PCTPMT, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biên giới.