(GLO)- Sáng 4-4, tại thành phố Pleiku - Gia Lai, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Ngân sách nhà nước bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số-Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Dự Hội thảo có ông Danh Út-Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chủ trì, đại diện các bộ, ngành Trung ương cùng đại biểu 21 tỉnh, thành trong cả nước, ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cùng tham dự.
Báo cáo tại Hội thảo, cả nước hiện có 1.848 xã và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 1,4 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi chiếm khoảng 38%, cá biệt một số nơi còn trên 45%.
Trong 5 năm 2005-2010, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách dân tộc trên nhiều lĩnh vực như: Chương trình 135 giai đoạn II, thực hiện dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới”, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào nghèo… Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở những vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi đáng kể nhất là kết cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế.
Tại khu vực Tây Nguyên, nơi có 1,8 triệu đồng bào DTTS, thuộc 53 dân tộc sinh sống, chiếm 35% dân số toàn vùng. Thời gian qua, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, các Chương trình 134, 135 giai đoạn II, định canh định cư, vay vốn, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề... đã góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào DTTS.
Từ năm 2001 đến nay đã giải quyết 639 ha đất ở cho 15.470 hộ gia đình; 29.200 ha đất sản xuất cho hơn 56 ngàn hộ gia đình. Chương trình 134 đã sửa chữa làm mới 58.249 căn nhà, cấp nước sinh hoạt cho 78 ngàn hộ, giải quyết 5.726 đất sản xuất cho trên 16.934 hộ. Giao khoán 116.470 ha rừng cho 7.320 hộ thiếu đất sản xuất. Vì vậy tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm từ 47,48% năm 2006 xuống còn 19,97% năm 2010; 81% buôn, làng có điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, Chính sách hỗ trợ về nhà ở sau 3 năm thực hiện đến nay các tỉnh Tây Nguyên đã xây được 42.332 căn nhà, đạt 1034% kế hoạch, trong đó, DTTS 21.284 căn. Mạng lưới giáo dục, y tế đã có bước chuyển mình rõ nét, 98% số xã, phường đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 100% số xã có trạm y tế... Đặc biệt, toàn khu vực đã giảm được 26.325 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS 33,26% (giảm 4,7%).
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết như: giáo dục và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS còn cao. Tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc đền bù, tái định cư tại một số công trình thủy điện trên địa bàn còn thiếu sót, chưa được chủ đầu tư quan tâm như: Plei Krông (Kon Tum), tái định cư thủy điện An Khê- Ka Nak (Gia Lai)...
Trước thực trạng này, các đại biểu đã thảo luận và đề nghị Nhà nước đề ra một số chính sách an sinh xã hội cần thực hiện trong thời gian tới như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách gắn kết khoa học công nghệ với sản xuất. Đặc biệt huy động mọi nguồn lực của cộng đồng xã hội để đầu tư vùng đồng bào DTTS.
Nguyễn Diệp