Hàng nghìn tù binh IS, trong đó có vài trăm người Malaysia và Indonesia, đang đứng trước cơ hội đào thoát khỏi các nhà tù của người Kurd khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc tấn công vào miền Bắc Syria.
Nguy cơ tù binh IS đào tẩu khỏi nhà tù ở Syria
Theo South China Morning Post (SCMP), khoảng 12.000 tù binh IS đang bị giam giữ trong các nhà tù của lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria. Trong số này có khoảng vài trăm tay súng được tuyển mộ từ các nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia.
Tuy nhiên, số phận của các tay súng này trở nên rất khó lường từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd. Nhiều chuyên gia về lĩnh vực chống khủng bố cho rằng các cuộc tấn công của Ankara có thể tạo điều kiện cho tù binh IS tẩu thoát.
Ahmet Yayla, Phó Giáo sư chuyên ngành Tư pháp hình sự tại Đại học DeSales (Mỹ), cho rằng tình hình bất ổn tại khu vực sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các tay súng IS được tự do. Theo một tuyên bố từ phía lãnh đạo người Kurd ngày 12/10, họ chỉ có 400 người canh gác 12.000 tù binh IS và số lượng lính canh thậm chí đang bị "phân tán" để đối phó với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nếu 12.000 tù binh ấy nổi dậy, chúng có thể dễ dàng đánh bại lính gác và tẩu thoát", chuyên gia Yayla cảnh báo. Ông cũng cho biết một vụ vượt ngục đã diễn ra vào tuần trước.
Hàng nghìn tù binh IS đang bị giam giữ bởi người Kurd trong các nhà tù nằm rải rác ở phía Bắc Syria. (Ảnh: The Times)
Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, một vụ đánh bom tại nhà tù giam giữ các tay súng IS đã diễn ra vào hôm 12/10, khiến Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phải điều tiếp viện đến đây để ngăn các tù binh trốn thoát.
Đó là chưa kể đến nguy cơ to lớn từ phía 70.000 nhân thân của các chiến binh IS hiện đang bị giữ lại tại các trại tị nạn. Theo thông tin từ giới chức người Kurd, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào gần một trại tị nạn ở Ayn Issa hôm 13/10 đã khiến cho khoảng 800 nhân thân của các tay súng thánh chiến bỏ trốn thành công.
An ninh Đông Nam Á bị đe dọa thế nào?
Việc 12.000 tù binh IS có thể đào thoát khỏi các nhà tù của người Kurd không chỉ tạo ra lo ngại chung cho khu vực, mà sẽ sớm trở thành hiểm họa an ninh hàng đầu cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Malaysia và Indonesia. Được biết, trong số những tay súng IS đang bị giam giữ, có tới 11 công dân Malaysia và vài trăm người Indonesia.
Hiện giới chức hai nước này đang lo ngại rằng những tay súng trên có thể cố tìm cách trở về nhà mà không bị phát hiện.
Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, cho biết: "Có khả năng chúng (các tay súng IS người Malaysia) đào thoát và trốn đến một nước thứ ba hoặc quay trở lại Malaysia. Nếu chúng trở lại Malaysia, rất có thể những người này sẽ tuyển thêm thành viên và tổ chức các cuộc tấn công".
Ông Ayob cũng cho biết cho đến nay đã có 11 người Malaysia trở về từ miền Bắc Syria. 8 người trong số đó - tất cả đều là đàn ông - đã bị kết án vì các hoạt động liên quan đến khủng bố.
Được biết, quy trình hồi hương hợp pháp của Malaysia sẽ yêu cầu những công dân trở về nước phải trải qua một cuộc thẩm vấn và chương trình phi cực đoan hóa. "Bất kỳ ai bị phát hiện có dính líu tới khủng bố sẽ bị buộc tội trước tòa", ông Ayob nói.
Theo một quan chức chống khủng bố tại Indonesia, số công dân của nước này tại Syria hiện lên tới vài trăm người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Vị này cũng cho biết nếu số công dân này trở về nước theo con đường phi pháp, chính quyền sẽ rất khó kiểm soát và họ thậm chí có thể khôi phục các mạng lưới khủng bố tại Indonesia.
Indonesia đã cho phép 18 người hồi hương từ Syria vào 2 năm trước và họ đều đã trải qua một chương trình phi cực đoan hóa ngắn hạn, 3 người trong số đó đã bị đưa ra xét xử vì các hoạt động khủng bố. Hiện, Jakarta vẫn đang đau đầu tìm cách đối phó với những công dân hồi hương từng dính líu tới IS.
Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về lĩnh vực khủng bố và nghiên cứu Đông Nam Á đến từ Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ), cho rằng những tù binh IS gốc Malaysia và Indonesia đều đã được huấn luyện quân sự và thậm chí có cả kinh nghiệm chế tạo bom. Chưa kể, nhiều phụ nữ và trẻ em cũng đã bị cực đoan hóa vì các hành động khủng bố của IS. Những người này có thể trở thành mối lo lớn của chính quyền hai nước Đông Nam Á khi họ hồi hương.
Ông Zachary Abuza cũng cho rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sẽ là một cơ hội "trời cho" đối với IS khi giờ đây lực lượng người Kurd sẽ không đủ khả năng kiểm soát chúng nữa.
Trong khi đó, chuyên gia Yayla dự đoán, mặc dù những tù binh IS đào thoát thành công có thể trốn đến cả Châu Âu và Đông Nam Á, nhiều khả năng các hoạt động khủng bố sẽ chỉ diễn ra ở Đông Nam Á.
Lí giải về điều này, ông Yayla cho rằng nếu IS âm mưu tấn công khủng bố ở Châu Âu, nguy cơ chúng bị trả đũa sẽ lớn hơn, còn các nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia ít có khả năng sẽ triển khai quân sự đến Syria hay Iraq để đối phó nhóm khủng bố.
Long Nguyễn (Kiến thức)