(GLO)- Đầu tháng 4, khí hậu vùng Bắc An Khê nóng rạc người, hồ thủy điện An Khê-Ka Nak cạn rộc nước, trơ những cành cây khẳng khiu chết đứng dưới lòng hồ. Sông Ba có nhiều đoạn dùng dằng không muốn chảy vì nước mùa này rất ít.
Tôi và các đồng nghiệp đã quyết tâm ngược dòng sông Ba về thị trấn Dân Chủ xưa (xã Krong ngày nay), rồi tiếp tục băng rừng ngược sông Lơpa (phía tả ngạn sông Ba) để tìm về khu căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ.
Làng định cư xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Văn Ngọc |
Mặc dù chỉ cách thị trấn Kbang chưa đầy 40 km và đi trên một đoạn đường Đông Trường Sơn mới làm, khá đẹp (đường 669) rồi rẽ về hướng Tây đi qua địa hạt thuộc lâm phần Krông Pa mới đến thị trấn Dân Chủ, nhưng tôi có cảm giác như đi về miền đất khác khá xa. Vì nhiều năm không trở lại trên cung đường này, nay khung cảnh đã đổi thay nhiều khi hồ thủy điện đã tích nước, người dân Bahnar ở nhiều làng đã di cư lập làng mới trên các ngọn đồi cao với những ngôi nhà xây kiểu nhà trệt người Kinh nên tôi khó hình dung được hiện trạng núi rừng xưa kia.
Tất nhiên, tôi cũng có thể tưởng tượng ra một chiến khu xưa với những con đường mòn giữa các khu rừng rậm rạp của vùng Đông Trường Sơn chạy ngoằn ngoèo các hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, tiện lợi cho việc tiến thoái, tiếp tế lương thực, đạn dược... Và đặc biệt là che mắt được kẻ địch dòm ngó, đảm bảo an toàn khu cho bộ máy lãnh đạo của tỉnh hoạt động thời chiến.
Đến trung tâm xã Krong hôm nay, nhà cửa, trường học, trụ sở đã có nhiều đổi thay và khang trang, kiên cố hơn, đặc biệt đường sá đi lại được tu bổ, mở rộng; bên cạnh ngôi nhà rông văn hóa của xã nay có thêm một nhà truyền thống khá đẹp mới được xây dựng hàng tỷ đồng nhưng bên trong ruột chỉ duy nhất trưng bày một sa bàn và bằng Di tích Khu căn cứ địa cách mạng Krong của tỉnh.
Tôi tin rằng những cán bộ kháng chiến cũ từng “nằm gai nếm mật” nơi này nếu trở lại thăm thị trấn Dân Chủ xưa khó mà hình dung được hiện trạng một thời cách đây 40-50 năm. Anh bạn tôi nói đùa với các anh cán bộ lãnh đạo xã: “Sao hơn 40 năm rồi mà còn mãi là thị trấn, phải đề nghị nâng cấp thành đô thị loại IV, loại III rồi tiến lên thành phố, đi chứ !”. “-Cần gì thành phố cho nhọc, đây là thủ đô kháng chiến của tỉnh rồi còn gì !”- đồng chí cán bộ xã vừa nói vừa cười vui.
Tác giả tại khu Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ cách mạng Khu 10, xã Krong. Ảnh: Q.N |
Các anh cho biết, đây còn được mệnh danh là thị trấn Ngã Ba, tức ngoài con đường về hướng Đông Nam để ra An Khê, đi Bình Định, Phú Yên, còn một con đường qua dốc Đỏ về hướng Bắc để qua các huyện thuộc tỉnh Kon Tum, từ đây có thể đến biên giới Việt-Lào hoặc tiến về đồng bằng miền Trung và một con đường phía Tây bên kia sông Ba là vùng núi Kopier là con đường rút lui vào khu an toàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ con đường giao thông huyết mạch này mà chúng ta đã tiếp nhận dễ dàng chỉ thị của Trung ương, Khu ủy và sự tiếp tế lương thực, khí tài từ các nơi” .
Cái gì rồi cũng dễ đổi thay với thời gian, ngay cả lòng người cũng vậy, nhưng có điều mỗi dòng sông, ngọn núi nơi đây vẫn còn hiện hữu với dấu ấn khó phai mờ trong ký ức của những người kháng chiến, của những người Bahnar gan dạ, thủy chung. Chúng tôi vượt qua phía Tây trung tâm xã một đoạn thì gặp nơi tiếp giáp giữa sông Ba và dòng Lơpa. Đây là khúc sông đẹp, thoáng mát. Ngày xưa có một cây cầu bê tông bắc sang nhưng đã sập gãy tự khi nào.
Bạn tôi kể rằng, những năm ở chiến khu, đây là bãi sông mà anh chị em cán bộ, bộ đội chiều nào cũng tắm giặt; tiếng nói, tiếng cười vang cả khúc sông dài. Tôi bần thần đứng nhìn dòng sông nhân chứng, nơi một thời có biết bao tuổi xuân đã để lại, trong đó đã có bao người hy sinh khi còn rất trẻ. Nghĩ vậy thôi, lòng mình chợt chùng xuống và đâu đó còn nghe văng vẳng tiếng cười đùa, tiếng gọi bạn đang còn treo lơ lửng trên những cành cổ thụ ven con sông Ba ở đầu nguồn...
Tiếp tục băng qua những ngọn đồi, con suối và các rẫy bắp của dân làng vừa mới xuống hạt, chúng tôi ngược dòng Lơpa về phía thượng nguồn của dãy Kon Ka Kinh. Con nước mùa này hiền hòa, róc rách, nước trong vắt nhìn tận đáy.
Cạnh con nước Đak Ko Bưng là một khu rừng già còn lại khoảng chừng 1 ha với những cây bằng lăng cao vút. Bên cạnh một cây bằng lăng cổ thụ với dây leo chằng chịt và một cây đa ôm chặt vào gốc tạo nên một loại cây “kết đoàn” trông thật ấn tượng nằm giữa đám rừng có một tấm bia lớn có đế màu trắng ghi rõ: Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ cách mạng Khu 10-xã Krong (Cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai từ năm 1972-1975).
Anh Xuân Tập- cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang đi trong đoàn đã kể cho tôi về hành trình xây dựng tấm bia này vào năm 2006. Lúc đó đường sá vào khu căn cứ chưa được như bây giờ, từ viên đá, bao xi măng... vào được đến đây chỉ duy nhất bằng cách khuân vác bộ và cả tuần lễ mới hoàn tất công trình lịch sử hiện nay. Tôi tin đây là vị trí chính xác bởi vì các vị cán bộ lãnh đạo cách mạng ở chiến khu này đến nay vẫn còn sống và họ đã đi thực địa để tìm lại địa điểm này.
Trên bia còn ghi rõ: Nơi đây đã được dân làng Tăng Lăng làm 10 căn nhà tranh và hầm trú ẩn để cho cán bộ kháng chiến ở và làm việc. Chung quanh khu rừng này là nương rẫy của đồng bào Bahnar nên có nhiều dấu vết chặt hạ cây rừng, có khi xâm hại vào cả khu di tích. Khi chúng tôi ngồi nghỉ bên con suối Đak Ko Bưng thì rất may gặp được 2 kiểm lâm viên địa bàn. Trao đổi với các anh, chúng tôi đề nghị cần khuyến cáo mọi người không được xâm hại đến khu di tích lịch sử và nên tuyên truyền đến các làng đồng bào Bahnar lân cận để họ biết đây là nơi quan trọng, là “rừng thiêng” để họ có ý thức cùng nhau giữ gìn di tích cách mạng địa phương.
Tôi đã từng đến nhiều khu di tích cách mạng của địa phương và trung ương trên cả nước nên hiểu rằng, để biến những khu di tích này (đa phần là phế tích) trở thành nơi du lịch thu hút du khách thập phương và là địa chỉ lịch sử-văn hóa nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng bảo vệ Tổ quốc của các lớp cha anh thì còn nhiều việc phải làm, trong đó trước mắt phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá đi lại và phục chế các hạng mục di tích một cách bài bản, khoa học, kết hợp với đặc thù rừng núi và văn hóa bản địa để khai thác du lịch, thu hút du khách. Muốn làm được điều đó, không thể trong một vài năm trước mắt mà cần có kế hoạch lâu dài với các dự án khả thi với nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tham gia.
Rời khu căn cứ cách mạng Krong mà lòng tôi chưa nguôi nhớ rừng, nhớ con nước Lơpa với những buôn làng Bahnar truyền thống và những con người cần cù, son sắt, thủy chung.
Bùi Quang Vinh