Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ 3: Lời thề trên đá núi Vị Xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến địa Vị Xuyên được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ" bởi mật độ bom đạn ác liệt khiến những hòn núi đá vôi sừng sững bị bom đạn cày tung.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương ở dịp “giỗ trận” lần thứ 35 của liệt sĩ hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên ngày 12-7-1984/2019 - Ảnh: YÊN BA
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương ở dịp “giỗ trận” lần thứ 35 của liệt sĩ hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên ngày 12-7-1984/2019 - Ảnh: YÊN BA
Sau những trận pháo, cả miền núi non phủ kín một lớp bụi đá vôi trắng xóa. Nơi đây còn có tên gọi khác như "thung lũng gọi hồn" bởi những chiến sĩ vệ quốc hi sinh đến hơn 600 người chỉ trong một trận đánh.
“Ngay những chiến sĩ hi sinh giữa biển khơi mênh mông như thế, chúng ta vẫn tìm được hài cốt để đưa về. Nên dù khó khăn đến mấy cũng phải quy tập cho được anh em đang nằm trên những cao điểm núi đá Hà Giang này.
Nguyên Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG
Gốc mai của nguyên thủ và lời thề trên báng súng
Sau bao nhiêu khắc khoải đợi chờ thì bây giờ trên những đồi đá Vị Xuyên cũng đã mọc lên một công trình tưởng niệm những người lính đã bám trụ cùng "lò vôi thế kỷ" và "thung lũng gọi hồn". Công trình không lớn nhưng ấm áp và gần gũi, gồm một mái tam quan, nhà bia và đền thờ. Nhìn quần thể tưởng niệm khang trang trên điểm cao 486, ít ai biết khởi đầu của nó chỉ là một cái am nhỏ bằng ximăng được dựng lên gần mười năm trước.
Tháng 7-2014, các phóng viên Tuổi Trẻ đã có dịp theo cựu binh sư đoàn 356 lên đây dự buổi lễ cúng vọng đồng đội. Những giọt nước mắt xót đau và tức tưởi. Ánh mắt những người lính còn sống để trở về sau cuộc chiến cứ hướng lên phía những điểm cao 1509, 772, 685 như xoáy vào tâm can chúng tôi.
Chưa dám nói đến việc quy tập hết anh em về. Chỉ thầm mong có một nơi thờ tự các anh linh vệ quốc cho tươm tất ngày đó. Những bộ quần áo lính hàng mã được anh em đốt, tàn tro bay lên vướng vít trên những ngọn đồi. Trần sao âm vậy, biết chỉ là khát khao không tưởng, nhưng người ở lại cũng cảm thấy an lòng khi nghĩ từ những tàn tro kia, đồng đội mình ở thế giới bên kia được nhận về những bộ áo quần ấm áp sau bao năm giữa núi đồi.
Ngay trước lối vào khu tưởng niệm, một tấm bảng màu đỏ khắc 9 chữ vàng như một tuyên thệ của lính Vị Xuyên: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Lời thề ấy bắt đầu từ một dòng khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Cạnh tấm bảng khắc lời thề người lính là một gốc hoàng mai Yên Tử được trồng lưu niệm bởi chính tay nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào dịp giỗ trận lần thứ 35 (12-7-1984/2019) của lính Vị Xuyên.
Gốc mai vàng như tấc lòng vị nguyên thủ quốc gia cùng lời thề rút ruột của người lính, tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở. Ở mặt trận Vị Xuyên này tất cả đều trụi trần trên đá. Đào được một công sự để trú ẩn và chiến đấu gần như là bất khả. Vì thế anh em chỉ có thể tận dụng những hang đá, mái đá, hốc đá trên chênh vênh triền núi để đứng chân và phản kích. Khi mái đá, hang đá bị sập, nơi đó trở thành nấm mồ chiến sĩ vệ quốc.
Và từ rất lâu rồi, khi nghe về câu chuyện hàng ngàn hài cốt người lính đang nằm lại giữa "lò vôi thế kỷ", ông Trương Tấn Sang đã đặt vấn đề: "Ngay những chiến sĩ hi sinh giữa biển khơi mênh mông như thế, chúng ta vẫn tìm được hài cốt để đưa về. Nên dù khó khăn đến mấy cũng phải quy tập cho được anh em đang nằm trên những cao điểm núi đá Hà Giang này".
Tâm nguyện nguyên Chủ tịch nước cũng là một động lực để việc quy tập được xúc tiến rốt ráo hơn. Những lực cản lớn nhất với công cuộc tìm kiếm như bom mìn dày đặc đã có phương án xử lý. Từ cái am nhỏ làm đài hương, hôm nay cả một quần thể tưởng niệm khang trang mọc lên. Tiếng chuông chiều loang giữa thinh không rừng núi, chập chùng âm vọng qua các điểm cao để anh linh người lính nương theo tiếng chuông về đây quần tụ.

Cựu binh sư đoàn 356 hát cho anh linh đồng đội nghe ở Vị Xuyên - Ảnh: L.Đ.DỤC
Cựu binh sư đoàn 356 hát cho anh linh đồng đội nghe ở Vị Xuyên - Ảnh: L.Đ.DỤC
Người lính hóa thân vào đá núi
Sáu tháng sau trận đánh khốc liệt khiến ngày 12-7-1984 trở thành ngày "giỗ trận" của sư đoàn 356, đồi núi Vị Xuyên vẫn chưa bình yên trở lại. Khi ở thị xã Hà Giang, cách mặt trận Vị Xuyên chỉ hơn 15 cây số đường chim bay, bà con đang chuẩn bị đón giao thừa thì trên này pháo địch vẫn khốc liệt dội xuống những điểm cao chúng ta vừa tái chiếm mấy tháng trước.
Tác giả lời thề bất hủ của lính Vị Xuyên chính là trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 356. Ngày anh hi sinh là 19-1-1985 nhằm vào ngày 29 tháng chạp năm Giáp Tý, ngay trước đêm giao thừa. Tháng 8-1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm hi sinh, anh Ninh vừa tròn 24 tuổi.
Giờ đây, đứng ở khu tưởng niệm trên cao điểm 486, nhìn qua phía Bắc là điểm cao 685, nơi anh Ninh đã ngã xuống. Cuộc chiến đấu giành lại các điểm cao biên giới Vị Xuyên dằng dai suốt từ đấy cho đến cuối năm 1984 đầu năm 1985. Với chiến thuật "lấn dũi", những người lính Vị Xuyên vừa phòng ngự vừa tấn công đã chiếm lại được nhiều cao điểm quan trọng. Tiểu đoàn 2 của Nguyễn Viết Ninh giữ điểm E5 của cao điểm 685 từ tháng 12-1984, từ hang suối cụt, anh em "lấn dũi" lên điểm cao 685.
Những ngày áp Tết, địch ác liệt nã pháo và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại 685. Điểm cao 685 và bình độ 300-400 của mặt trận Vị Xuyên khốc liệt hơn bao giờ hết. Ông Thái Khắc Ba, đại đội trưởng đại đội 5, dạo đó chỉ huy trực tiếp của trung đội Nguyễn Viết Ninh, nay sống ở Tân Kỳ (Nghệ An) kể rằng chỉ trong ba ngày khốc liệt nhất từ 17 đến 19-1-1985 (tức từ 27 đến 29 Tết), đại đội ông hi sinh 43 người. Trung đội của Ninh vì là trung đội mũi nhọn hi sinh gần hết, cả trung đội chỉ còn hai người sống sót!
Riêng đại đội 5 phải đối đầu với lực lượng địch đông đến cả tiểu đoàn. Rạng ngày 19-1 (29 Tết), pháo địch nã cấp tập dọn đường cho bộ binh ào lên hòng đánh bật những người lính của đại đội 5 ra khỏi điểm E5 của cao điểm 685.
Nguyễn Viết Ninh đã bị thương trong ngày hôm trước nhưng vẫn bám lại trận địa cùng anh em, tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch. Khẩu AK47 vẫn chắc trong tay Ninh. Cả ngày hôm đó, hàng chục đợt phản kích của bộ binh địch bị bẻ gãy, nhưng anh em trong đại đội 5 thương vong rất nhiều.
Treo cánh tay trái bị thương, Ninh bò đi thu nhặt súng đạn trên trận địa gom lại động viên anh em bám trụ. Trưa 19-1, Ninh bị thương vào chân, đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo Ninh lên cáng về tuyến sau, nhưng anh vẫn ôm khẩu AK, quyết "bám đá" đúng như lời thề trên báng súng. Cuối chiều 29 Tết, Ninh bị thêm một vết thương ở đầu và hi sinh.
Khi đồng đội lên mang xác anh Ninh về, khẩu súng AK vẫn ôm chặt trước ngực. Khẩu súng với lời thề khắc trên báng: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" ấy được anh em mang về sư đoàn. Thi hài anh được chuyển về tuyến sau và sau này đưa về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, rồi sau đó được chuyển về quê an táng ngay trong mảnh vườn nhà xứ trung du, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Nhìn cây hoàng mai Yên Tử được nguyên Chủ tịch nước trồng lưu niệm vào ngày giỗ trận Vị Xuyên, chúng tôi nhớ mãi chi tiết ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, kể rằng ông Trương Tấn Sang vốn là người nặng lòng với biên giới.
Từ khi đương chức hay sau này đã về hưu, cứ đúng dịp kỷ niệm ngày 17-2 (ngày Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên cương phía Bắc năm 1979) và dịp “giỗ trận” 12-7 (ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên tưởng nhớ hơn 600 anh em hi sinh trong trận đánh tái chiếm các cao điểm đang bị Trung Quốc chiếm giữ vào sáng 12-7-1984) là ông đều lên với Hà Giang...
---------------------
Kỳ tới: Vị Xuyên - hành hương về miền ải Bắc
"Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào... Hãy về đồng đội ơi!".
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.