(GLO)- Trong 5 năm (2010-2015), các tỉnh Tây Nguyên luôn là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, dẫn đến diện tích rừng suy giảm mạnh. Trước thực trạng trên, việc tìm ra giải pháp căn cơ để giữ rừng và khôi phục những diện tích rừng đã mất cho khu vực Tây Nguyên là hết sức cần thiết.
Suy giảm tài nguyên rừng
Theo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), tính đến cuối năm 2015, diện tích có rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 2.561.969 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 2.246.068 ha, rừng trồng 315.901 ha, độ che phủ rừng đạt 46,08%. Rừng được giao cho nhiều đơn vị quản lý như: ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước; tổ chức kinh tế; đơn vị vũ trang; hộ gia đình; cộng đồng và UBND các xã. Trên thực tế, lợi nhuận từ rừng quá lớn nên rừng Tây Nguyên đã trở thành “miếng mồi” để các đối tượng xâm hại trái phép.
Một khu rừng bị người dân xâm lấn trái phép. Ảnh: N.D |
Chỉ tính riêng 8 tháng của năm 2016, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các vụ vi phạm chủ yếu vẫn là phá rừng, khai thác gỗ và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chế biến lâm sản trái quy định của Nhà nước; vi phạm về các quy định sử dụng đất và các vi phạm khác. Bên cạnh đó, những dự án chuyển đổi rừng sang trồng các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp khiến diện tích rừng Tây Nguyên suy giảm mạnh trong 5 năm qua. Ước tính, từ năm 2010 đến 2015, diện tích rừng Tây Nguyên giảm 5,8%, tương ứng diện tích 312.416 ha. Trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 25,5 triệu m3 gỗ, tương ứng giảm 7,8% từ 327,5 triệu m3 năm 2010 xuống còn 302 triệu m3 gỗ năm 2015.
Cần giải pháp giữ rừng căn cơ
Trước thực trạng rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm về diện tích và trữ lượng gỗ, thực hiện Kết luận số 191/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, mới đây, tại TP. Pleiku đã diễn ra Hội nghị triển khai một số giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 do Cục Kiểm lâm tổ chức.
Đề cập công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững khu vực Tây Nguyên, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngành chức năng của tỉnh tổ chức rà soát, xác định chính xác số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể có mã ngành mua bán, chế biến gỗ, tổ chức hậu kiểm 1 lần/năm; kiên quyết thu hồi mã ngành các cơ sở vi phạm, tạm dừng cấp mới. Ngành Kiểm lâm triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng, ưu tiên tối đa lực lượng đưa về phụ trách địa bàn xã để tham mưu cấp ủy, UBND xã thực hiện công tác bảo vệ rừng tận gốc. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng-chống cháy rừng cho toàn bộ diện tích có nguy cơ cháy cao của tỉnh là 225.216,74 ha; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng cho các khu vực dân cư, nhất là khu vực biên giới. Quản lý chặt chẽ và xử lý triệt để các loại xe độ chế, xe hết hạn lưu hành, xe không có giấy tờ vận chuyển lâm sản trái phép…
Theo Cục Kiểm lâm, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên cần tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đến năm 2020. Xác định lâm phần ổn định, ranh giới, mốc giới rõ ràng trên thực địa để làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá kết quả các dự án chuyển đổi rừng sang cây trồng khác. Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và có biện pháp xử lý đối với các dự án không chấp hành các quy định của Nhà nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai hiệu quả công tác phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét dứt điểm các điểm nóng, tụ điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung đánh trúng “đầu nậu” trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Kiểm lâm cần rà soát, sắp xếp hợp lý biên chế kiểm lâm hiện có để giảm số lượng làm việc tại văn phòng theo hướng đảm bảo 50% biên chế thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn...
Nguyễn Hồng