(GLO)- Khi trời dần ngả về chiều cũng là lúc thầy Võ Trí Hoàn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nay Der (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) lại rời trường đi tìm học sinh. Nghe tin ở đâu có trẻ em đủ tuổi nhưng chưa được đến lớp, thầy liền đích thân tìm đến nhà. Thầy xứng đáng là thế hệ tiếp nối của nhà giáo Nay Der.
Lặn lội tìm học trò
Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học và THCS Nay Der vào một buổi chiều ngập nắng. Tiếp chúng tôi là Hiệu trưởng Võ Trí Hoàn. Nhìn vóc dáng nhỏ bé cùng cách ăn mặc giản dị, có phần xuề xòa, ít ai nghĩ đó là hiệu trưởng của một ngôi trường có hàng trăm học sinh. Sau một hồi trò chuyện, thầy Hoàn nói: “Đi, đi cùng tôi đến chỗ này”. “Chỗ này” mà thầy nhắc đến là buôn Ama Lin, xã Chư Mố. Chúng tôi dừng chân trước một căn chòi nhỏ chừng 9 m2, là nơi ở của một bà mẹ bị động kinh cùng 4 đứa con, trong đó, đứa lớn nhất đã 10 tuổi nhưng chưa một ngày được đến trường. Khi chúng tôi đến thì cả 5 mẹ con đều đi mò cua ở ruộng xa chưa về. Bước chân của thầy Hoàn cứ ngập ngừng nửa muốn đi, nửa muốn ở lại chờ. Nhìn qua khe cửa, phút chốc thầy lặng người khi thấy không gian chật chội, nghèo khó bên trong. “Những trường hợp như thế này còn nhiều lắm. Nhà khổ quá. Tội cho các em không được đến trường. Hôm sau tôi sẽ quay lại”-thầy Hoàn khẽ nói.
Mỗi buổi chiều thầy Hoàn (bìa phải) rong ruổi khắp các ngôi làng để làm công tác vận động học trò. Ảnh: P.L |
Việc thầy Hoàn lặn lội vận động học trò ra lớp xuất phát từ lá thư của một em học sinh trong trường cách đây vài năm. “Em ấy tâm sự vì nghèo quá nên đành phải gác lại ước mơ đến trường để phụ giúp gia đình. Tôi đọc thư mà không cầm lòng được. Sao lại có thể như vậy được, bằng mọi cách phải giúp em tiếp tục con đường học hành”-thầy Hoàn nói. Rồi thầy kêu gọi giáo viên, Công đoàn nhà trường và bạn bè, người thân ủng hộ, đóng góp để em học sinh ấy tiếp tục được đến lớp. Từ đó, thầy hoàn bị “cuốn” vào hành trình tìm kiếm, kêu gọi, vận động ủng hộ cho học sinh nghèo lúc nào không hay. Đến giờ, thầy không còn nhớ đã vận động được bao nhiêu học sinh tới lớp. Năm 2017, nhóm từ thiện “Ảnh đẹp Ayun Pa” do thầy Hoàn khởi xướng ra đời. Không chỉ cùng nhau chia sẻ niềm đam mê chụp ảnh, nhóm còn tổ chức hàng trăm chương trình “Tiếp sức cho em đến trường” với hàng ngàn phần quà. Bước vào năm học mới, hoạt động xây dựng quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn luôn được nhà trường triển khai thực hiện, riêng thầy Hoàn nhận hỗ trợ 1 em học sinh (200 ngàn đồng/tháng) đến hết năm học.
Cứ đến chiều, người thầy ấy lại cầm chiếc máy ảnh đi lang thang khắp các ngôi làng gần xa. Khi thì thầy ghé vào nhà học trò, lúc thì trò chuyện cùng người làng để tìm hiểu xem có em nhỏ nào chưa được đến trường hay bỏ học giữa chừng. Và, bao giờ thầy cũng cố gắng ghi lại thật nhiều trường hợp cần kêu gọi giúp đỡ. Thầy tâm sự: “Kêu gọi, vận động qua mạng xã hội cần nhiều hình ảnh lắm, vì điều này giúp cho các Mạnh Thường Quân hình dung rõ hơn về hoàn cảnh của từng trường hợp để ủng hộ. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều học sinh đã được tiếp sức đến trường”.
Tấm lòng người thầy
Sau khi rời buôn Ama Lin, chúng tôi lại theo chân thầy Hoàn đến buôn Ơi HBriu để thăm nhà cô học trò Rơ Ô H'Truyên. Căn nhà của gia đình H'Truyên chỉ rộng chừng 15 m2, vách thưng bằng tôn. Để vào được nhà phải đi vòng sang nhà hàng xóm bởi phía trước nhà em là một ao rau muống.
Thầy Hoàn (bìa phải) đến thăm em H'Truyên. Ảnh: P.L |
Trong lúc đợi H'Truyên về, thầy Hoàn kể cho chúng tôi về hoàn cảnh của em: “Mẹ của H'Truyên vừa qua đời. Em sống cùng cha trong căn nhà này. Ngày trước, em thường xuyên phải theo cha mẹ đi làm thuê ở khắp nơi nên việc học dang dở. Dù vậy H'Truyên chưa bao giờ nguôi mong ước được học cái chữ. H'Truyên nói với tôi: “Em thích được đi học lắm”. Thế nên bằng mọi cách, tôi phải đưa em đến trường”. Với quyết tâm ấy, thầy Hoàn đã nhiều lần tìm đến nhà để thuyết phục bà nội chăm sóc H'Truyên và cho em đến trường trong thời gian cha đi làm xa. Nhờ vậy mà dịp khai giảng vừa rồi, H'Truyên lại được xúng xính trong bộ đồng phục mới tinh tươm, được đích thân thầy Hiệu trưởng chở đến lớp. Vào lớp 1 chậm hơn các bạn cùng trang lứa nên H'Truyên có phần ngại ngùng. Nhưng được sự động viên của thầy Hoàn và cô chủ nhiệm, em đã dần hòa nhập với bạn cùng lớp sau một tuần học. Từ nguồn kinh phí vận động được, thầy Hoàn còn tặng cho H'Truyên 1 chiếc xe đạp, sách vở, cặp sách để em yên tâm đến lớp.
Khi H'Truyên về đến, căn nhà gần như trống hoác, tồi tàn được lấp đầy bởi tiếng trò chuyện, hỏi han ân cần của 2 thầy trò. H'Truyên bày tỏ: “Được đi học em vui lắm. Một buổi đi học trên trường, buổi còn lại em giúp bà nội việc nhà để cha yên tâm đi làm. Em sẽ học thật chăm để thầy và mọi người vui lòng”. Riêng anh Ksor Drah-cha của HTruyên-cứ ngập ngừng mãi không nên lời. “Cảm ơn thầy nhiều lắm! Mình đi làm thuê, nhà lại chỉ có mình cháu H'Truyên nên đi đâu cũng đưa theo khiến con phải nghỉ học. Bây giờ có bà nội chăm, có thầy lo cho đến trường, mình yên tâm lắm!”-anh Drah nói với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Không chỉ nhiệt tâm trong công tác vận động học trò, thầy Hoàn cũng rất tâm huyết trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong nhà trường. Nhiều năm qua, thầy đã tổ chức ngày hội cồng chiêng, liên hoan hát dân ca rất thành công, được học sinh cũng như phụ huynh ủng hộ. Hiện tại, thầy đang ấp ủ ý định thành lập một đội chiêng “nhí” tại trường.
Mặt trời dần xuống núi, chúng tôi vội vã chia tay ra về nhưng thầy Hoàn vẫn tiếp tục đi thăm thêm vài nhà học sinh khác nữa. Hình dáng người thầy nhỏ nhắn nhưng có tấm lòng rộng mở ấy dần khuất sau những con đường làng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu…
PHƯƠNG LINH