(GLO)- Tiền hỗ trợ mỗi học sinh nghèo một năm (9 tháng) thì chỉ cấp 3 tháng, thậm chí có năm không cấp; sách giáo khoa nhận về cất vào thư viện không cho học sinh mượn... Đây là phản ánh của một số giáo viên trường THCS Hoàng Hoa Thám, xã Ia Khai, huyện Ia Grai.
Tiếp xúc với chúng tôi, các giáo viên cho rằng: Theo Quyết định 101/2009/QĐ-TTg ngày 5-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức đầu tư năm 2010 đối với một số dự án thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; điểm b khoản 1 điều 2 quy định: Mức hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học, học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông mỗi học sinh được hỗ trợ một năm (9 tháng), mỗi tháng 140.000 đồng.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, năm học 2011-2012, học sinh dân tộc thiểu số tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, huyện Ia Grai vẫn chưa được nhận khoản tiền này. Theo thông tin của một số phụ huynh thì năm học 2010-2011 nhà trường cũng chỉ cho học sinh nhận 3 tháng/năm.
Không những vậy, qua tiếp xúc, các giáo viên còn cho chúng tôi biết thêm: việc cấp phát sách giáo khoa cho học sinh tại đây, nhà trường vẫn chưa thực hiện đúng quy định.
Theo nguyên tắc, sách giáo khoa cũ (học sinh khóa trước trả lại) tiếp tục sử dụng cho học sinh khóa sau mượn. Nếu không đủ cấp phát cho 100% học sinh năm học mới, nhà trường có kế hoạch đề nghị trên cấp bổ sung và phải bảo đảm đủ sách giáo khoa cho các học sinh theo diện ưu tiên được mượn. Tuy nhiên, năm học vừa qua do trên cấp bổ sung chậm, một số học sinh phải đợi. Học kỳ II nhà trường mới nhập sách giáo khoa về nhưng lại không cấp phát cho học sinh mượn mà lưu trong thư viện nhà trường, dẫn đến một số học sinh không có sách để học.
Bên cạnh đó, có một vấn đề “tế nhị” đó là: Chế độ thu hút giáo viên công tác tại vùng III (vùng khó khăn) được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ. Theo ý kiến của một số giáo viên, hầu hết họ đều có hoàn cảnh rất khó khăn, hàng tháng ngoài đồng lương chính ai cũng mong được nhận thêm đồng phụ cấp thu hút để phụ thêm chi tiêu sinh hoạt nhưng nhà trường lại chi trả theo quý mà cuối tháng của quý mới được nhận.
Trước những ý kiến phản ánh của một số giáo viên, phóng viên Báo Gia Lai đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Thuấn-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai, ông cho biết: Hiện nay có 2 quyết định, Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20-12-2007 và Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 5-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ (như đã nêu ở trên); theo đó, mỗi học sinh đang học mẫu giáo được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng, học sinh học bán trú ở cấp tiểu học, THCS và THPT được hưởng 140.000 đồng/tháng.
Thời gian được hưởng tính theo thực tế thời gian đi học và không quá 9 tháng/năm học. Riêng vấn đề giáo viên thắc mắc học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ có được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng (tối đa là 9 tháng/năm) hay không? Nếu thuộc các đối tượng trên thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng đến hết tháng 5- 2011; không thuộc các đối tượng nêu trên thì được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập 9 tháng/năm theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ. Tại khoản 1, 2, 3 điều 6 của Nghị định và được áp dụng từ ngày 1-7-2010.
Về phần sách giáo khoa cho học sinh mượn, ông Thuấn giải thích: Chủ trương của tỉnh là hàng năm vào đầu năm học, học sinh là người dân tộc thiểu số được mượn sách giáo khoa để phục vụ học tập, quá trình học phải giữ gìn cẩn thận cuối năm học trả lại để tiếp tục sử dụng cho năm học sau. Hàng năm, tỉnh có bổ sung sách giáo khoa các bậc học cho các huyện, thị xã, thành phố nhưng số lượng tương đối ít so với nhu cầu đăng ký.
Năm học 2011-2012 sách giáo khoa của tỉnh cấp muộn nên các trường học trên địa bàn huyện nhận về muộn và số lượng nhận ít hơn so với đăng ký. Do vậy, vào đầu năm học, nhà trường cho các em học sinh mượn sách giáo khoa của năm học, trước là đúng.
Ông Thuấn cũng cho biết thêm: Khi nhà trường nhận sách giáo khoa về thì phải nhập vào thư viện để vào danh mục, đầu sách cũng như tài sản của nhà trường, đảm bảo cho việc bảo quản, sử dụng và theo dõi việc cho học sinh mượn và nhà trường phải cho học sinh mượn đủ số sách giáo khoa để phục vụ học tập theo quy định. Nếu trường THCS Hoàng Hoa Thám nhận sách giáo khoa mới nhưng không cho học sinh mượn mà lưu trong phòng thư viện là sai. Đến thời điểm này, Phòng Giáo dục-Đào tạo vẫn chưa nhận được phản ánh trên. Đầu năm học mới, chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát và có hướng xử lý theo quy định nếu trường nào vi phạm.
Vấn đề giáo viên bức xúc chuyện trả phụ cấp thu hút theo quý, ông Thuấn cho rằng: Căn cứ các Nghị định của Chính phủ và các hướng dẫn thì không quy định rõ chi trả chế độ thu hút theo tháng hay quý, nhưng để thuận lợi cho việc chi trả chế độ thu hút cho viên chức được tính theo hàng quý với lý do: Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Nếu đưa vào trong bảng lương hàng tháng người được hưởng chế độ khó tính toán. Tuy nhiên, nếu giáo viên có nguyện vọng chi trả theo tháng thì ngành sẽ xem xét, tính toán để chi trả chế độ một cách thuận lợi nhất.
Lệ Hằng