Tiềm năng lớn từ cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa sẽ giải quyết điểm nghẽn rất căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên.



Tại buổi làm việc cuối tuần qua với đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - đã kiến nghị về việc xây dựng tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa.

 

Quốc lộ 26 nối Đắk Lắk - Khánh Hòa hiện nhỏ hẹp, quanh co Ảnh: CAO NGUYÊN
Quốc lộ 26 nối Đắk Lắk - Khánh Hòa hiện nhỏ hẹp, quanh co Ảnh: CAO NGUYÊN



Ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - tán thành chủ trương xây dựng đường cao tốc và mong muốn Quốc hội ủng hộ để Đắk Lắk sớm có một con đường cao tốc góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Bùi Văn Cường về dự án cao tốc mang tính huyết mạch này.

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù mới về nhận nhiệm vụ tại Đắk Lắk nhưng ông rất trăn trở và quyết tâm cao trong vấn đề xây dựng tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa?

 

 

- Ông BÙI VĂN CƯỜNG: Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhất là vấn đề giao thông, vận tải. Lúc tôi về nhận nhiệm vụ, sau khi nghiên cứu, xem xét, đã nhất trí với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy là phải tập trung tháo gỡ từng điểm nghẽn, trước hết là giao thông.

Trong vận tải, rẻ nhất là vận tải thủy, kế đến là đường sắt, sau cùng mới tới đường bộ nhưng hiện nay, Đắk Lắk chỉ có hàng không và đường bộ trong khi vận tải hàng không lại quá đắt. Còn đường bộ được thiết kế từ xa xưa, phải đi qua các triền núi, rất dài. Nếu tiếp tục nâng cấp tuyến cũ, mãi mãi sẽ không rút ngắn được khoảng cách. Thực tế hiện nay, từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang dài 190 km, nếu đi bằng ôtô 4 chỗ mất 4 giờ, xe container mất 6-8 giờ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên do chi phí vận chuyển cao. Do đó, chúng tôi đã tính toán, nghiên cứu để phóng tuyến. Vừa rồi, anh em đã tính toán sơ bộ từ đường tránh Đông của TP Buôn Ma Thuột đến cao tốc Bắc - Nam ở tỉnh Khánh Hòa khoảng 105 km, khi xây dựng tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian chạy xe còn hơn 1 giờ với ôtô 4 chỗ và hơn 2 giờ với xe container. Khi đó, không cần phải mời gọi mà các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng lên Đắk Lắk vì đất đai có, nguồn nhân lực có.

Việc xây dựng cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa sẽ mở ra những tiềm năng, cơ hội thế nào, thưa ông?

- Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang tập trung nghiên cứu, tính toán, đề xuất để sớm có một con đường cao tốc từ Đắk Lắk xuống biển. Trước hết sẽ giải quyết vấn đề về du lịch. Du khách từ TP HCM, TP Hà Nội hay quốc tế đến với TP Nha Trang chơi biển rồi thì muốn lên rừng. Chỉ mất 1 giờ là họ lên tới Đắk Lắk du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm. Tuyến cao tốc cũng sẽ giải quyết bài toán về thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa. Hàng hóa sản xuất ra phải chuyển xuống Khánh Hòa để lưu thông tới các tỉnh khác hoặc ra nước ngoài. Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cũng sẽ giải quyết được vấn đề của các KCN và khu dân cư. Chúng tôi đánh giá con đường này sẽ giải tỏa điểm nghẽn rất căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

Dự kiến tuyến đường này tốn khoảng bao nhiêu kinh phí?

- Chúng tôi vừa làm việc với một nhà tư vấn, họ đã tính thử tuyến đường chỉ 105 km, với 3 hầm chui. Hầm ngắn nhất 0,7 km, hầm dài nhất chỉ 1,7 km. Số lượng hầm phải qua không nhiều và với chiều dài hầm như thế cũng rất đơn giản. Khái toán sơ bộ nếu xây dựng cao tốc 4 làn xe sẽ vào khoảng 15.000 tỉ đồng, còn nếu xây dựng 6 làn xe thì khoảng 19.000 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí lớn như thế, tỉnh Đắk Lắk sẽ lấy từ đâu?

- Hiện nay, chúng tôi đang cho tính toán lại sát hơn. Lúc đó, sẽ đề xuất nguồn kinh phí vừa từ ngân sách vừa đối tác công tư và các hình thức khác. Ví dụ, tỉnh sẽ cấp đất cho doanh nghiệp để xây dựng KCN, khu dân cư đổi hạ tầng đường cao tốc. Tuy nhiên, phải tính toán việc đấu thầu như thế nào cho chặt chẽ, làm sao cho con đường này thực sự có chất lượng tốt nhất, giá thành thấp nhất nhưng vẫn an toàn nhất.

Khi đã có tuyến cao tốc, Đắk Lắk làm gì để thu hút du lịch, thưa ông?

- Du lịch là một tiềm năng của Đắk Lắk, từ khí hậu, rừng núi và thiên nhiên ưu đãi đến văn hóa của Tây Nguyên. Đặc biệt, văn hóa của Tây Nguyên thì không chỉ người dân trong cả nước mà bạn bè quốc tế đều muốn khám phá. Sắp tới, chúng tôi sẽ có một đề án về phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, chú trọng nguồn nhân lực du lịch. Hạ tầng du lịch sẽ bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, sân golf, vườn thú mang tính đặc trưng. Ngoài ra, muốn làm được du lịch cộng đồng, chính quyền phải vào cuộc, phải đứng ra mời doanh nghiệp cùng bàn bạc với người dân cách làm, chứ để từng người dân sẽ không bao giờ có du lịch cộng đồng.

 

Cao Nguyên thực hiện (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất