Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, Sân bay Pleiku từng là điểm nóng tranh chấp giữa ta và địch. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra xung quanh khu vực sân bay để chiếm từng ụ đất, từng quả đồi. Vì thế, dù chiến tranh đã đi qua hàng chục năm nhưng những tàn tích chiến tranh vẫn còn in hằn trên mảnh đất đỏ anh hùng. Cả vùng thung lũng rộng lớn chỉ là những bãi cỏ hoang, lổm chổm những quả bom bi. Nhưng rồi những mầm sống tươi sáng cũng nảy nở trên vùng đất tưởng chừng chết chóc. Trong đó, ông Lê Văn Thiết, thôn 1 xã Biển Hồ, TP. Pleiku được coi là người đầu tiên đến lập nghiệp ở vùng “thung lũng chết” này.
Mô hình V.A.C đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Thiết. Ảnh: Văn Ngọc |
Thế rồi, mảnh đất của ông cũng đi vào canh tác. Ban đầu, ông tiến hành trồng rau màu nhưng đều thất bại, bởi thổ nhưỡng không phù hợp. Trồng rau ra mà đắng ngắt, không bán được, ông đành lòng nhổ bỏ. Không quên những kỷ niệm gian khó khi ấy, ông bồi hồi kể lại: “Khi đó, tôi đạp xe đi chợ cách đây gần 4 km, chỉ đủ tiền mua bó rau, luộc lên buổi trưa ăn cái, còn buổi tối ăn nước. Cả nhà có nuôi được con heo nái sắp sinh nở, thì một đêm mưa bão, kẻ gian vào bắt trộm khiến tôi trắng tay. Nhiều người lại khuyên tôi nên bỏ mảnh đất này đi nhưng tôi vẫn quyết tâm ở lại”. Ban ngày, ông cuốc đất đến phồng rộp tay. Chập choạng tối, ông lại cầm đèn pin soi để nhặt phân bò về bón cho rau, cải tạo đất. Và rồi, đất đã không phụ người.
Công sức của ông cũng bắt đầu cho trái ngọt, vườn rau của ông bắt đầu cho thu hoạch những vụ bội thu. Chiếc xe đạp gồng gánh từng sọt rau mỗi sáng lại bò trên con đường đất. Lấy ngắn nuôi dài, ông bắt đầu đào ao thả cá, trồng thêm cà phê để tính chuyện lâu dài. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã khoác áo mới cho “thung lũng chết”.
Những triệu phú vùng “thung lũng chết”
Đất lành chim đậu, đầu những năm 2000, “thung lũng chết” cũng đã có 4 hộ đến sinh sống. Năm 2004, họ tập trung mua dây, xây cột kéo điện để đưa ánh sáng mới về đến vùng đất kiên cường này.
Đến thăm cơ ngơi đáng mơ ước của ông Thiết bây giờ, không ai tin được nó lại được xây dựng lên từ vùng đất đầy rẫy bom đạn. Năm 1999, ông thuê máy xúc múc trên diện tích 800 m2 đất lầy lội làm ao cá và cũng để phục vụ nước tưới cho hơn 1 ha cà phê. Hàng năm, ông thu hoạch 3-4 tạ cá trắm cỏ, cá chép, cá rô... Ông cũng dành gần 1.000 m2 đất để trồng rau sạch, hoa cung cấp cho thị trường. Sau đó, ông nuôi thêm đàn heo và đàn bò hơn chục con. Mô hình V.A.C của ông hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Căn nhà ngói nhỏ khi xưa nay đã được thay bằng căn nhà rộng rãi, to đẹp. Trong gian khó nhưng hai đứa con ông đều cố gắng học giỏi và nay đều đang học đại học.
Vườn hoa của ông Thiết vào vụ thu hoạch. Ảnh: Văn Ngọc |
Không phải là “triệu phú” nhưng gia đình ông Knêk cũng có được cuộc sống khá sung túc từ khi chuyển đến “thung lũng chết”. Ông cũng nuôi được 5 con bò, trồng hơn 1 ha cà phê cùng với 4 sào lúa nước nên cũng cất được nhà mới, sắm được xe máy và công nông.
Chiến tranh đã đi qua hơn 35 năm, những vùng đất lửa năm nào nay với bàn tay, khối óc của người nông dân đã trở nên xanh tươi đầy sức sống. Vậy mới thấy, sự cần cù, quyết tâm của con người mãnh liệt tới mức nào. “Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi sẽ trải nhựa con đường đất này”-ông Trần Văn Bài quả quyết.