Thức tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dường như Thần Chết đã đến gặp Hoài. Lưỡi hái sắc lạnh của ông đã chìa ra, móc hẳn vào người cô chực kéo đi. Không một cảm giác đớn đau gì khi lưỡi hái sắc lẹm ấy móc vào người cả. Nhưng rồi, bà nội xuất hiện. Bà quả là vị cứu tinh luôn che chở cho Hoài khi gặp hiểm nguy, từ việc nhảy xuống sông kéo Hoài lên khi một lần suýt đuối nước, cho đến việc ngăn cản bao trận đòn của bố, mẹ khi Hoài còn nhỏ và lần này là giằng co với lưỡi hái tử thần.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Có lẽ, nhờ sự xuất hiện của bà nội trong một thoáng mộng mị, giữa hai bờ hư thực mà giờ này Hoài còn nằm đây, giữa bốn bề màu trắng. Bà nội mất hơn mười năm về trước rồi.
Hoài mở mắt trong một trạng thái chênh chao nghiêng ngả. Cô vẫn lờ mờ nhớ bác sĩ đã tiêm vào mình vài mũi kim nhoi nhói trong cơn vô thức. Nước mắt lăn tròn, mặn đắng xuống môi tự lúc nào. Mẹ nói, 2 tuần rồi từ ngày Hoài vào hồi sức cấp cứu. Hoài chỉ bị sây sát, bầm tím vài chỗ do bị phần sau chiếc xe máy đè lên. Mọi xét nghiệm, chụp ci - ti cho thấy cô bình ổn. Sự bình ổn đáng ngạc nhiên khiến mẹ, một người rất ít khi tin vào tâm linh, suốt ngày lầm rầm “Nhờ ơn Trời”. 
Không ai nhắc tới anh trước mặt Hoài, sợ cô không chịu nổi cú sốc. Cũng không ai hiểu, bình ổn mà sao Hoài yếu đến độ có lúc phải trợ tim, có những cơn dài mê man không thể thoát tỉnh… Chỉ Hoài lơ mơ thấy nếu mình tỉnh dậy thì anh sẽ vuột mất, cứ mãi trong cơn vô thức, cô còn cảm giác đang vòng tay ôm ngang người anh trước khi chiếc ô tô điên lao đến. Cô vẫn nghe loáng thoáng giọng ai đó như một miền rất gần mà rất xa: “Gọi cấp cứu nhanh, một người còn sống”.
Bác sĩ cho biết phải nằm theo dõi thêm ở bệnh viện. Nơi buổi sáng không thể thấy chùm tia nắng nào lọt qua ô cửa vì phía ngoài là gốc đa cổ thụ che phủ. Cái màu xanh của cây lá tưởng rất đỗi bình thường lại hóa thành niềm an ủi duy nhất đối với Hoài trong mênh mông đệm trắng, giường trắng, tường trắng và cả mấy bông hoa loa kèn trắng, mẹ cắm trên bàn tối qua.
Hoài không thể quen được những ngày đầu tiên vắng anh. Cô mở lại những tin nhắn của anh trong điện thoại, tin nào Hoài cũng hồi đáp, không cần để ý rằng mình đã từng trả lời anh. Rồi nhận lại dòng chữ khô khốc: “Tin nhắn không gửi được”. Không biết không gửi được bao nhiêu lần nhưng vẫn còn hơn gọi vào máy để biết rằng số điện thoại đó không có chủ. Vẫn còn hơn 100 tấm thiệp cưới trong túi, Hoài biết không bao giờ được gửi đi đến bè bạn mình. Những tấm thiệp hạnh phúc cứa thêm vào niềm đau. 
* * * * *
Phía cuối gian phòng, cách Hoài vài chục bước chân là bà mẹ gần tới tuổi thất thập. Mẹ kể, bà mẹ ấy có chín người con. Những đứa con lớn lên, mỗi người một cảnh, có gia đình riêng, lấy chồng lấy vợ về nơi xa, có người xa mẹ cả ngàn cây số. Có khi vài cái Tết mới gặp mẹ một lần. Mọi chuyện không có gì nếu không có ngày bà mẹ vào viện cấp cứu do hàng loạt thứ bệnh già đột nhiên cùng hành hạ. Ba ngày đầu, mọi người sốt sắng cắt cử nhau đi thăm nom mẹ. Buổi tối cô em út, là người duy nhất chưa lập gia đình, được phân công chăm sóc.
Bà mẹ nằm viện gần một tuần, số người con theo đó thưa dần. Điều dưỡng buộc chặt tay bà vào thành giường do bà bị khó chịu, bứt rứt, tìm cách giật những dây rợ truyền thuốc. Người chị hai, chị ba bảo nhìn mẹ như thế, chúng tao chịu không được, cãi cọ um sùm bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu. Rồi không vào thăm. Chị năm khóc oà, bảo nhìn như thế chịu không được, cũng không vào thăm.
Hai ba ông anh đi thăm bà mẹ vài ngày, thấy một số người trong phòng cấp cứu ấy lần lượt ra đi, về nhà âm thầm chuẩn bị hậu sự cho mẹ. Cô út vẫn lặng im ở lại hành lang bệnh viện trông mẹ hàng đêm, chỉ để bất cứ lúc nào điều dưỡng gọi vào thay tã cho mẹ thì thấy vui vì được nói với bà vài phút. Bà mẹ ngậm ngùi nhìn con út, ngày đó định không sinh thêm con vì nhà đông người rồi, thế mà… số mẹ vẫn còn may!
Cô út ấy bằng tuổi Hoài. Hoài thở dài, có ý trách gần chục người con nọ. Rồi nhìn mẹ, mẹ gầy hao nhanh quá, chỉ hơn hai tuần Hoài ở bệnh viện thì mẹ đã hơn 10 đêm thức trắng. Bên kia, cô út khóc nấc trong vòng tay người mẹ như hồi ấu thơ. Mẹ nhìn theo thở dài, lời nói mặn mòi: “Cũng là lẽ đời, ông bà mình xưa vẫn nói “Một mẹ nuôi được mười con/ Mười con không nuôi được một mẹ”, con ạ”.
* * * * *
 “Mấy bà đằng kia là con nhà bà cụ có “thâm niên” nhứt trong cái phòng hồi sức cấp cứu. Mấy bà con hầu hết là Việt kiều”. Chị, một người khăn gói từ miền Tây lên Sài Gòn chăm mẹ ốm, chỉ cho Hoài thấy một nhóm người đang ngồi chơi bài ở giữa hành lang bệnh viện, đầy ái ngại: Việt kiều đi chăm mẹ ốm có khác.
Thuê ô sin 200 ngàn mỗi ngày đi theo, công việc của ô sin không đầy 30 phút (vì phòng hồi sức cấp cứu quy định không cho người nhà vào lâu hơn). Chị đi làm thuê trên ruộng người khác cả tháng mới bằng năm ngày ô sin làm việc cho đám Việt kiều ấy, chị cười buồn, phải chi được nhận, mình chăm mẹ mình, chăm luôn mẹ họ, kiếm thêm ít tiền để dành tẩm bổ cho mẹ khi ra viện.
Việt kiều đi chăm mẹ ốm có khác. Áo quần, giày dép, túi xách, điện thoại toàn hàng hiệu. Vừa chơi bài tiến lên, bà chị ở Ý khoe cái túi xách hãng Valentino chánh hiệu. Cô em ở Mỹ khoe túi Gucci, cao giá hơn, kém thanh lịch anh hàng Ý một chút nhưng sang trọng hơn nhiều. Bà chị nữa, Việt kiều Mỹ nốt, chịu không được, cũng phải khoe, từ chân lên đến đầu tao, cái nào cũng Gucci mới xài.
Họ khá ầm ĩ khiến vài người thăm bệnh nằm la liệt ngoài hành lang đang mơ màng ngủ, giật mình ngoái lại. Điều dưỡng kêu “Người nhà bệnh nhân T. vào thay đồ cho cụ”. Ôsin đang ngủ, giật mình le te chạy tới. Cô em Việt kiều ngớ người “hình như họ bảo mẹ mình”. Bà chị Việt kiều gật gù, mắt không rời chiếu bạc.
“Buổi đêm họ không ngủ vì nghe họ nói riêng với nhau là ở đây hôi mùi bệnh viện, mùi người và sợ mất đồ, họ chơi bài tới sáng thì về khách sạn đối diện bệnh viện ngủ hết ngày, tối lại vào bệnh viện... chơi bài và… chăm mẹ như thế”.
Mọi việc thay đổi khi bà chị Việt kiều Pháp mặt mày hậm hực mất cái điện thoại iphone giá hàng ngàn đô. Hôm đó, thấy họ buồn rầu không chơi bài nữa, xầm xì trao đổi, quyết định cuối cùng là chủ động xin bác sĩ rút hết những dây rợ lằng nhằng trợ tim trợ phổi ra khỏi người bà cụ để đưa về nhà. Để lâu bà cũng không ngồi dậy được, mà con cái thì phải về nước với bộn bề công việc, gia đình. Họ lập luận “được mấy người có hiếu với mẹ như chị em mình, khi những ngày cuối cùng, xa mấy cũng bay về với mẹ.” Tối hôm đó, họ oà khóc nức nở…
Bình hoa cúc họa mi trắng đã úa. Đêm qua, mưa to quá mẹ chưa mua thay bình mới. 
* * * * *
 “Con bé mới 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất. Dù nó đau mấy tôi vẫn nhủ với nó rằng, trời còn thương, mấy ai bị tàu hoả kéo cả mươi mười lăm mét mà vẫn sống?”. Giọng chị ngậm ngùi kể cho Hoài nghe về tai nạn của con. Thời gian đau đớn nhất, kinh hoàng nhất của cô bé 17 tuổi tên Trang Nhi ấy vượt qua thần kỳ hơn khi có mẹ dịu dàng và luôn cứng cỏi bên cạnh.
Quê chị ở một tỉnh phía Bắc. Học xong, nhận công tác ở một trường phổ thông thuộc tỉnh Khánh Hoà. Một ngày, người chồng đi biển, ra đi không trở lại, chị choáng váng, chếnh vếnh khi không người thân thích máu mủ bên cạnh ngoài đứa con đang tuổi tập đi.
Ngày ngày chị cố giấu nước mắt trong lòng mình, tập cho con những bước đi còn chập chững, để mong những bước đi ấy vững vàng nhanh hơn, như cứu cánh cuộc đời chị. Lúc đó, lạ thay, nhìn những bước đi hồn nhiên của con mà lòng bớt đau.
Ngày chị đang dạy trên lớp, nghe tin con đi cấp cứu bệnh viện tỉnh vì tai nạn tàu hoả, chị sấp ngửa chạy, mặt mày tối tăm. Khi nhìn gương mặt xanh mét của con thỉnh thoảng chau lại vì cơn đau, chị xé ruột, vẫn dỗ lòng mình rằng “Trời thương khi còn cho nó những cảm xúc biết đau”.
Hai, ba ngày đầu, con thường xuyên mê man ngủ, chị chong mắt thức. Những lúc tranh thủ vào phòng hồi sức cấp cứu, vừa nhanh tay lau rửa cho con, vừa à ơi hát bài hát thuở bé con thích: “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”. Bài hát về những cánh chim đầy gian truân vẫn kiêu hãnh hướng về phía mặt trời ấm nắng, về khát vọng tự do và tình yêu ấm áp. Chị tin rằng con gái mình vẫn lắng nghe và bớt đau. Chị thu xếp vội vàng công việc đưa con về Sài Gòn chữa trị cho nhanh, ở nhờ trong một căn phòng nhỏ nhà người bạn cũ gần bệnh viện để tiện theo dõi. Hai tuần trôi qua, cô con gái được chuyển ra phòng theo dõi điều trị với Hoài. Mỗi sáng mai thức giấc, Hòai lại thấy chị giáo viên tập cho con đi những bước chân đầu tiên cho con gái 17 tuổi dọc hành lang bệnh viện…
Những bước chân không hồn nhiên, không háo hức, và đầy đớn đau, mệt nhọc. Không cần thấy mồ hôi túa ra trên gương mặt non nớt của con lòng chị cũng đau đớn cảm giác điều đó. Chị vẫn vỗ về con: “Dạo bé, có khi cả tuần con chẳng bước thêm được bước nào ngoài năm bước chân mẹ đã đếm, nhưng cả con và mẹ đều rất vui, và luôn biết chắc con sẽ bước được nhiều hơn. Bây giờ, mười bảy tuổi, con lớn khôn, phải kiên trì hơn, đúng không nè?”.
Giọng chị cứ ngọt ngào, cứ thế, cứ thế. Chị kể lại cho con những bước đi hồn nhiên đầu tiên của nó giúp má nó đứng dậy như thế nào… Gương mặt cô bé 17 tuổi ấy ấm áp và mím chặt môi, cô tiếp tục tập đi theo bước mẹ dìu.
* * * * *
Hoài có lẽ là người ở lâu trong bệnh viện này. Mẹ hiểu, con gái nhạy cảm có khi sẽ ngã quỵ khi quay về nhà, về với cuộc sống thường nhật. Những bức tường trắng lạnh, những ga giường trắng toát đã dịu bớt, những đóa họa mi mong manh đã ấm áp hơn. Những đêm thức trắng của mẹ không còn. Những người đến rồi đi để lại câu chuyện về số phận đau đáu. Hoài đã không còn hành động vô thức hàng ngày nhắn tin vào số máy đã khóa của anh để nhận lại dòng chữ khô khốc “không gửi được tin nhắn”. Để rồi sau thói quen ấy lại có khi nhớ tới những cánh thiệp không bao giờ gửi, đau đến mức không thể khóc, chỉ nghèn nghẹn nấc. Đôi khi cô mỉm cười, và lại mỉm cười khi thấy gương mặt mẹ rạng rỡ đáp lại. 
Nắng chiều hắt rưng rưng trên vầng tóc hoa râm của mẹ. “Con nhổ tóc sâu cho mẹ nhé”. Mẹ quay lại, lặng im một thoáng. “Con không tính 200 đồng một sợi như lúc bé đâu”. Mẹ phì cười, nghiêng nghiêng mái tóc gần Hòai. Sau những ngày ở bệnh viện, Hoài chợt nghĩ, hình như chưa bao giờ nói với mẹ rằng “con yêu mẹ, mẹ ơi”…
Theo VÕ THU HƯƠNG (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.