Thực hư câu chuyện vườn sâm Ngọc Linh "trên giấy" tại Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
​Trong ngày khai trương tại thành phố Kon Tum, Công ty Sâm Việt Nam công bố đã trồng 10ha vườn sâm Ngọc Linh, tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tuy nhiên, thông tin ngày gây bất ngờ cho nhiều người.

Các sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam được trưng bày trong ngày khai trương trụ sở. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Các sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam được trưng bày trong ngày khai trương trụ sở. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Thương hiệu Sâm Ngọc Linh, được xem như quốc bảo Việt Nam thời gian qua đang thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kon Tum tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sâm Ngọc Linh trở thành mục tiêu của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp “khởi nghiệp” tại Kon Tum.
Sâm trồng… trên báo cáo
Giống như Quảng Nam, thời gian qua việc trồng sâm Ngọc Linh là cơ hội để người dân và doanh nghiệp ở Kon Tum phát triển mạnh, ổn định trong tương lai.
Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (gọi tắt Công ty Sâm Việt Nam) chính thức ra mắt tại thành phố Kon Tum. Ngày khai trương trụ sở Công ty Sâm Việt Nam đã có nhiều lãnh đạo cấp bộ, tỉnh Kon Tum tới dự.
Trong ngày khai trương, Công ty Sâm Việt Nam công bố đã trồng 10ha vườn sâm Ngọc Linh. Địa điểm trồng tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam, hiện tại công ty có vườn sâm gốc 10ha tại 2 huyện Tu Mơ Rông (xã Ngọc Lây 8ha) và Đăk Glei (xã Mường Hoong 2ha). Cùng đó là khu nuôi cấy mô tại huyện Kon Plông.
Ngoài ra, công ty còn mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân tại chỗ ở Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Đây là nguồn lực để chăm sóc cho cây sâm. Vườn sâm của công ty đã trồng từ 1 đến 8 năm.
Thông tin Công ty Sâm Việt Nam sở hữu 10ha vườn sâm gốc tại xã Ngọc Lây và Mường Hoong gây bất ngờ cho rất nhiều người. Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Lây (nơi được công bố trồng 8ha) không biết công ty này trồng sâm trên địa bàn.
Theo ông Đặng Quốc Dũng, tại xã Ngọc Lây, ngoài doanh nghiệp đã được tỉnh thống nhất (không có Công ty Sâm Việt Nam), trên địa bàn xã không có doanh nghiệp nào khác liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh.
“Vì liên kết chúng tôi thực hiện theo Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, liên kết là thực hiện theo Luật Hợp tác xã, phải qua Hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Tổ hợp tác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân xã thành lập. Việc chứng thực hoặc để làm hợp đồng kinh tế giữa tổ hợp tác với các doanh nghiệp (ngoài doanh nghiệp do tỉnh chấp thuận) thì chúng tôi chưa xác nhận ai khác,” ông Đặng Quốc Dũng khẳng định.
Trước thông tin Công ty Sâm Việt Nam có 8ha trồng tại xã Ngọc Lây, ngày 30/11 chính quyền nơi đây đã tiến hành kiểm tra lại thông tin.
Tại Biên bản làm việc (về thống kê số liệu trồng sâm Ngọc Linh của các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, liên kết với người dân trên địa bàn xã), chính quyền xã Ngọc Lây xác nhận Công ty Sâm Việt Nam chưa hỗ trợ và tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân Ngọc Lây.
Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông khẳng định huyện chưa giới thiệu đơn vị này trồng sâm trên địa bàn. Được biết tỉnh cũng chưa giới thiệu để đơn vị trồng sâm.
Xác minh tại xã Mường Hoong huyện Đăk Glei, nơi Công ty Sâm Việt Nam công bố trồng 2ha, ông Lê Bá Thế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Hoong khẳng định hiện trên địa bàn không có công ty nào trồng sâm Ngọc Linh. Công ty liên kết với dân trồng không có Công ty Sâm Việt Nam.
Trước câu hỏi công ty công bố về vườn sâm lớn, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, thực chất công ty hoạt động theo hình thức mua đi và bán lại, chưa có báo cáo về việc họ trồng sâm trên địa bàn.
Sản lượng nhiều?
Trước khi công bố vườn sâm Ngọc Linh rộng 10 ha “trên giấy” tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei vào ngày 29/11,  Công ty Sâm Việt Nam đã có những toan tính riêng.

Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam không mở cửa vào sáng 21/12. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam không mở cửa vào sáng 21/12. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Cụ thể, tháng 4/2021, công ty đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây.
Theo quy trình trồng sâm, với số lượng này, công ty có diện tích đã trồng 50ha, không phải 10ha như công bố, bình quân trồng 10.000 cây/ha.
Tại văn bản trên, công ty cam kết “những thông tin nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm về các thông tin này. Chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung tại Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý 'Ngọc Linh' cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum”… văn bản do ông Nguyễn Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam ký.
Dù công ty trồng sâm trên “giấy” nhưng do số lượng củ đăng ký nhiều, nên dư luận đã đặt nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ trên có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ nơi khác đưa vào?  
Lý giải về số lượng sâm củ nhiều, ông Nguyễn Tuấn Vũ giải thích (qua điện thoại): “Đây là số lượng sâm liên kết và thu mua của người dân. Tôi hợp tác, mua lại sản phẩm của người dân. Trước mắt tôi đặt 15.000 cây, còn 500.000 là trong tương lai sau này. Tôi hợp tác không chỉ trong Kon Tum mà cả Quảng Nam.”
Tuy nhiên, thực tế, trong văn bản do chính ông Nguyễn Tuấn Vũ ký, Công ty Sâm Việt Nam khẳng định vị trí, địa điểm canh tác của 500.000 cây sâm Ngọc Linh trên là tại xã Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông.
“Theo quy chế quản lý giống sâm Ngọc Linh, với việc cấp chỉ dẫn địa lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm xác định nguồn gốc giống để có cơ sở cho Sở Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý. Mình không đi kiểm tra là do họ không xuất trình được nguồn gốc giống trồng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa nắm, đồng thời chưa đi kiểm tra vị trí trồng và phát triển sâm của Công ty Sâm Việt Nam,” một thành viên ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định.
Mặc dù không xác minh cho Công ty Sâm Việt Nam trồng sâm Ngọc Linh để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ nhưng trong ngày ra mắt trụ sở và công bố vườn sâm 10ha của Công ty Sâm Việt Nam có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cùng nhiều lãnh đạo khác trong tỉnh.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum có thống kê diện tích 10ha sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Việt Nam gửi huyện Tu Mơ Rông để tổng hợp số liệu.
Hiện có một số doanh nghiệp mới được thống kê có diện tích trồng sâm như Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Mô Za, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quốc bảo Tu Mơ Rông….
Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc.
Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm