Thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP: Mức phạt cao nhưng vi phạm không giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Gia Lai, sau 2 tháng thực hiện Nghị định 34, lực lượng chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 16.143 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, tước 184 giấy phép lái xe, tạm giữ 97 xe ô tô, 1.739 mô tô, 4 phương tiện khác; tạm giữ 9.608 giấy tờ các loại.
Trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra 39 vụ, làm chết 42 người và bị thương 45 người. So với 2 tháng liền kề, thì số vụ TNGT trên địa bàn tăng 9 vụ (39 vụ/30 vụ), số người chết tăng 10 người (42 người/32 người), bị thương tăng 26 người (45 người/19 người), xử lý vi phạm tăng 1.178 trường hợp, phạt tiền tăng hơn 1 tỷ đồng.
Nghị định 34 ra đời đã giúp một bộ phận người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người còn chưa chấp hành tốt quy định. Trên các con đường liên thôn, liên xã, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc chở 3-4 người trên xe và phóng vù vù.
Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm. Ảnh: T.V
Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm. Ảnh: T.V
Trong khi đó, tại các đô thị nơi có dân trí cao vẫn có nhiều người dân không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông; tình trạng thanh- thiếu niên “chất” 3-4 người trên xe máy, lạng lách đánh võng ở một số tuyến đường vẫn xảy ra, nhất là vào buổi tối khi vắng bóng lực lượng chức năng đi tuần tra, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Ngoài ra, hiện tượng xe chở quá tải, xe công nông chở người đi trên đường phố, xe đón, trả khách tùy tiện, xe đậu lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, người đi bộ vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, các trường hợp chở trẻ em trên 6 tuổi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm… cũng chưa được xử lý triệt để. Đó là những nguyên nhân chính gây mất an toàn giao thông và làm gia tăng các vụ TNGT.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Đặng Phong- Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Tuy mức xử phạt hầu hết đã tăng hơn so với Nghị định 146, nhưng đối với một số lỗi thường gặp mức phạt vẫn còn nhẹ. Ví dụ, Nghị định 34 quy định việc đi vào đường cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, vượt đèn đỏ… thì bị phạt tối đa là 200.000 đồng nhưng lại không quy định việc giam giữ xe 30 ngày như Nghị định 146, vì thế nên chưa đủ sức để răn đe những người vi phạm…
Đến nay quá trình triển khai và thực hiện Nghị định 34 vẫn còn gặp một số vướng mắc từ phía người dân và lực lượng chức năng. Người đi bộ vi phạm, khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ, nộp phạt hành chính tại chỗ thì đã viện lý do chống chế, theo kiểu: “Không mang theo giấy tờ hoặc không có tiền!”. Vì vậy khi gặp những trường hợp này, lực lượng CSGT thường chỉ nhắc nhở. Đối với việc quy định trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng CSGT trong việc phát hiện và xử lý.
Theo Thượng tá Đặng Phong- Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh), nâng cao mức xử phạt là biện pháp cần thiết nhưng chưa phải là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng là mỗi người dân cần nhận thức được việc bảo vệ bản thân mình và cho người khác khi tham gia giao thông. Do đó, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Giao thông Đường bộ và Nghị định 34 đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thục Vy

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.