Tại Thông báo số 74/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; triển khai hiệu quả giảm quá tải bệnh viện; thực hiện điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo lộ trình thích hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phải quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ thầy thuốc, từ bác sỹ đến điều dưỡng viên; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế; phát triển y học cổ truyền.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Cụ thể, bên cạnh giải pháp tiếp tục đầu tư để tăng số giường bệnh, cần quan tâm xây dựng bệnh viện vệ tinh, nghiên cứu phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình; nghiên cứu giảm hợp lý thời gian người bệnh nằm điều trị nội trú.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới để vừa cải thiện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vừa đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cấp cơ sở, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng dần chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2013, ngành Y tế cần coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt được những chuyển biến thực sự.
Quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
Bên cạnh đó, ngành Y tế cần quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Đưa tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm y tế tăng lên 70% dân số vào năm 2013, 75% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế theo từng nhóm đối tượng, từng địa phương để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế.
Ngành Y tế cần triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, chủ động khống chế kịp thời và đẩy lùi các dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân về việc phòng, chống bệnh tật.
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ
Ngoài ra, ngành Y tế cần tiếp tục kiểm tra, rà soát cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động trong các bệnh viện công lập. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15-10-2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo lộ trình thích hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đầu tư có trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các bệnh viện đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Y tế nghiên cứu và ban hành cơ chế, thủ tục để tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành Y tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế, các bệnh viện ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế đến năm 2015. Làm tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Phấn đấu đạt tỷ lệ tăng dân số ở mức 1,02% vào năm 2013; nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ bình quân đồng thời tăng tuổi bình quân sống khoẻ mạnh. Ngành Y tế cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo Chinhphu.vn