Thủ tướng Anh David Cameron ngày 27-7, bắt đầu chuyến công du 4 ngày đến Đông Nam Á và Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên.
Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh AP) |
Mặc dù chủ đề chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác chống tư tưởng cực đoan và tăng cường thương mại nhưng lợi ích kinh tế dường như mới là mục tiêu chính trong chuyến công du lần này.
Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Anh Cameron khẳng định IS là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Theo ông Cameron, tổ chức khủng bố này chỉ có thể bị đánh bại nếu tất cả các nước trên thế giới cùng đoàn kết, phối hợp trong nước và ngoài nước.
Dự kiến, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Anh sẽ đề nghị hỗ trợ hai quốc gia trong khu vực là Indonesia và Malaysia trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của IS.
Trong số các đề xuất cụ thể có thể bao gồm việc ngăn chặn các tay súng nước ngoài, điều tra âm mưu khủng bố tiềm tàng cũng như là cải thiện an ninh hàng không. Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm từ hai quốc gia này trong nỗ lực đối phó với tư tưởng cực đoan.
Liên quan đến các nỗ lực chống khủng bố, Thủ tướng Anh Cameron hồi tuần trước đã công bố hàng loạt các biện pháp mới trong đó nhấn mạnh yêu cầu các công ty mạng phải hỗ trợ chính phủ nhiều hơn nhằm ngăn chặn việc tuyển dụng thành viên cực đoan trên internet.
“Tôi mong muốn chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với tư tưởng cực đoan trong nhà tù và trên mạng. Chúng ta cần đánh giá tổng thể về những điều chúng ta làm trong tù để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta cũng cần các công ty mạng hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc xác định những kẻ khủng bố tiềm tàng trên internet. Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ đưa ra các quy định cụ thể hơn đối phó với các phát biểu thù địch, ngăn chặn các lãnh đạo giáo phái gieo rắc hận thù”-ông Cameron nói.
Hiện cả Anh, Indonesia và Malaysia đều đau đầu với hiện trạng thanh-thiếu niên đổ xô đến khu vực Trung Đông tham gia thánh chiến tại các nước như Iraq, Syria hay Libya.
Theo giới chức Indonesia, trong thời gian qua đã có khoảng 500 công dân nước này bị IS dụ dỗ đến Trung Đông. Trong khi đó, cảnh sát Malaysia cũng ghi nhận hàng chục người vượt biên giới đến Trung Đông tham gia tổ chức IS và bắt giữ hàng trăm người có ý định tương tự.
Tuy nhiên, tháp tùng cho ông Cameron trong chuyến thăm lần này không có nhiều quan chức an ninh mà là Bộ trưởng Thương mại và một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu lên đến 30 người.
Giới doanh nghiệp Anh hy vọng với chuyến công du lần này, hai bên có thể ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá tới 750 triệu bảng Anh, tương đương 1,2 tỷ USD.
Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, 90% tăng trưởng toàn cầu sẽ đến từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á và Anh phải sẵn sàng giành lấy cơ hội này.
Trong khi châu Âu đang là bạn hàng lớn nhất của Anh thì giới chức nước này cũng khẳng định cần phải tiến xa hơn nữa, cần phải hướng Đông trong thời gian tới.
Theo các báo cáo mới nhất, lượng hàng hóa của Anh bán sang Hungari còn nhiều hơn Indonesia trong khi Indonesia lớn gấp 25 lần Hungary. Thậm chí, tổng kim ngạch thương mại của Anh với Bỉ còn lớn hơn tất cả 4 nước trong chuyến thăm lần này là Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam cộng lại.
Để thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Anh lên 1.000 tỷ Bảng vào năm 2020, Anh đang hy vọng vào một thị trường mới nổi và năng động nhất thế giới hiện nay là khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Theo VOV