Thứ rau ăn ngọt như nước ninh xương, chả phải thuốc thang gì, anh nông dân Đắk Lắk trồng bán tiền rủng rỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mô hình trồng rau bồ ngót theo hình thức chuyên canh của gia đình anh Trần Văn Dũng ở thôn Hiệp Hưng xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) lúc nào cũng có rau bán, lúc nào cũng có tiền...
Những năm gần đây, trong khi một số mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, hồ tiêu…bị rớt giá, luôn ở mức thấp, khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn, thì nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. 
Điển hình như mô hình trồng rau bồ ngót theo hình thức chuyên canh của gia đình anh Trần Văn Dũng ở thôn Hiệp Hưng xã Quảng Hiệp.
Trước đây 6 sào đất của gia đình anh Dũng chủ yếu là trồng cà phê, hồ tiêu, nhưng giá thị trường những năm gần đây luôn bấp bênh nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. 
 
Anh Trần Văn Dũng đanmg giới thiệu với cán bộ Hội nông dân xã về mô hình trồng rau ngót của gia đình ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Anh Trần Văn Dũng đanmg giới thiệu với cán bộ Hội nông dân xã về mô hình trồng rau ngót của gia đình ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Nhận thấy cây rau bồ ngót được người tiêu dùng ưa chuộng, năm 2016 anh Dũng đã mạnh dạn cải tạo lại đất và xuống giống trồng thử nghiệm vài trăm m2 cây rau bồ ngót theo hình thức vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm, vừa tìm thị trường tiêu thụ… 
Sau một thời gian chăm sóc, thấy trồng cây rau bồ ngót mang lại hiệu quả kinh tế và tìm được đầu ra ổn định với mức giá trung bình từ 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg (tùy theo mùa), nên anh Dũng đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê, hồ tiêu trước đây của gia đình sang trồng rau bồ ngót. 
Là người ham học hỏi trong lao động sản xuất, anh Dũng đã kịp thời nắm bắt và áp dụng tốt những công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất. Vì vậy vườn rau bồ ngót của gia đình anh Dũng luôn xanh tốt, lá không bị dập, cây không đổ ngã, lượng nước tưới được tiết kiệm nhờ hệ thống tưới nước phun sương, tiết kiệm được nhân công lao động. 
Anh Trần Văn Dũng ở thôn Hiệp Hưng xã Quảng Hiệp cho biết: Rau bồ ngót sau 90 ngày giâm cành là bắt đầu cho thu hoạch. Với 6 sào rau bồ ngót anh Dũng trồng "gối vụ", cứ 2 tháng anh thu rau bồ ngót 1 lần, nên gia đình anh lúc nào cũng có rau bán ra thị trường. 
Trung bình mỗi tháng vườn rau bồ ngót của gia đình anh Dũng thu được từ 7 đến 8 tạ, hằng năm sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể đạt từ 120 đến 150 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng cà phê và hồ tiêu trước đây...
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Dũng ở thôn Hiệp Hưng xã Quảng Hiệp cho biết thêm: Rau bồ ngót là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lại có thể thu hoạch quanh năm và thích hợp trên nhiều vùng đất, trừ đất phèn và đất bị nhiễm mặn. 
Người trồng có thể trồng từ hạt nhưng trồng bằng cách giâm cành là hiệu quả nhất. Khi trồng chỉ cần cải tạo đất, xuống giống 1 lần nếu chăm sóc tốt, rau bồ ngót có thể thu hoạch được liên tục trong thời gian từ 04 đến 05 năm sau đó mới phải trồng lại. 
Rau bồ ngót hầu như không phải phun thuốc trừ sâu vì vậy đây là loại rau xanh an toàn đối với người tiêu dùng, rau có đặc tính lành, mát, bổ dưỡng, giá bán ổn định nên được thị trường ưu chuộng…
Tiên phong trong việc chuyển đổi các diện tích cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang mô hình trồng rau bồ ngót của gia đình anh Trần Văn Dũng ở thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành một trong những địa điểm được nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện đến tham quan và học tập kinh nghiệm. 
Với đặc điểm dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế nhanh và cao, hiện cây rau bồ ngót đã và đang là hướng đi mới được bà con nông dân ở xã Quảng Hiệp lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình trong khi các mặt hàng nông sản bị rớt giá.
Theo S.Pa (Cổng TTĐT huyện Cư M'gar/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm