(GLO)- Nhiều năm qua, ông Ngôch luôn là “thủ lĩnh tinh thần” và là trung tâm đoàn kết của làng Bla-Trek (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, ông đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương giúp người dân thay đổi nhận thức, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, rồi tự so sánh, già Ngôch cười hiền: “Làm già làng bây giờ khỏe hơn, có thời gian cho gia đình, lo công việc nương rẫy, không vất vả như trước”. Sau 9 năm làm trưởng thôn, đầu năm 2010, ông Ngôch được dân làng tin tưởng bầu làm già làng. Ông Ngôch kể: “Thời điểm ấy, làng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Đàn ông thích uống rượu, ngại lao động. Uống rượu nhiều dẫn đến đầu óc không còn tỉnh táo, lời qua tiếng lại sinh ra mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau. Hầu như ngày nào cũng có người đến nhà tìm mình thưa kiện”. Biết người dân có cần, có tin tưởng mới tìm đến nên dù bận mấy ông Ngôch đều gác việc riêng để lo việc chung. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của ông đã có lúc khiến người thân chạnh lòng. Bà Bram-vợ ông lên tiếng phân trần: “Ông ấy đi miết miết thôi. Mưa gió, đêm tối gì có người đến tìm là đi. Có hôm ra đến ruộng rồi nhưng có người đến gọi, lại quay về lo việc của làng”.
Già làng Ngôch (bìa trái) trò chuyện cùng Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kdang. Ảnh: Anh Huy |
Ông Đan-Chủ tịch UBND xã Kdang: “Bằng uy tín của mình, ông Ngôch là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Các vụ mâu thuẫn có ông tham gia hòa giải đều thành công, từ trước đến nay không có vụ việc nào kéo dài, phức tạp. Làng chỉ còn 10 hộ nghèo và cận nghèo”. |
Đến khi hiểu rõ trách nhiệm của ông, hiểu những việc ông đang làm là để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, bà Bram lại vui vẻ ủng hộ. Thậm chí bà còn động viên ông: “Mâu thuẫn vợ chồng, anh em là việc nhỏ nhưng nếu không giải quyết sớm sẽ thành việc lớn, việc khó, có khi còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên ông phải cố gắng”.
Và rồi, trong vai trò “quan tòa”, ông kiên nhẫn lắng nghe, dành nhiều thời gian để giảng giải, phân tích và chỉ khi nào người trong cuộc nhận ra đúng-sai, bắt tay làm hòa, cam kết không tái phạm ông mới yên tâm rời đi. Cứ thế, ông vừa phân xử, vừa lồng ghép tuyên truyền để người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Số vụ mâu thuẫn theo đó cũng ngày một giảm, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt. “3 năm trở lại đây, mình không còn phải đi hòa giải nhiều nữa. Mình chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân cần cù lao động để có cuộc sống tốt hơn. Các bậc phụ huynh quản lý và không cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi; không giao xe máy, xe công nông cho con điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng-chống dịch Covid-19”-già Ngôch cho hay.
Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để nắm bắt tình hình, vận động các hộ dân giữ đất để sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để có tích lũy. “Mình nói với dân làng, nhà nào nhiều đất rẫy làm không hết thì cho thuê bớt, còn không phải giữ lại để làm, phải chịu khó, chịu khổ mới có ăn. Mình dẫn chứng cho bà con thấy có gia đình cho thuê đất 5-10 năm lấy tiền tiêu xài hết, phải đi làm thuê, làm mướn; có hộ lúc cho thuê vườn cây xanh tốt, lúc nhận về thì xơ xác, không còn gì để thu. Bà con thấy mình nói đúng nên nhiều năm nay không ai bán hoặc cho thuê đất nữa”-già Ngôch thông tin.
Với dân làng Bla-Trek, già Ngôch chưa khi nào nói suông và ở ông luôn có nhiều điều để học hỏi, noi theo. Anh Mâng bộc bạch: “Từ trước đến nay, già Ngôch luôn mong những điều tốt đẹp cho dân làng. Nghe lời già, bà con chịu khó sản xuất, ngoài trồng lúa, trồng cà phê còn chăn nuôi thêm heo, bò, gà. Đến mùa thu hoạch, người dân hỗ trợ lẫn nhau ngày công, giúp vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà. Dân làng còn học theo già ở tinh thần yêu lao động. Bước sang tuổi 63 nhưng vợ chồng già còn chăm sóc 2 ha cà phê, 5 sào ruộng lúa, nuôi 8 con bò”. Theo thống kê, làng Bla-Trek có 214 hộ dân với hơn 1.000 khẩu, trong đó, 74% là người dân tộc thiểu số. Người dân hiện canh tác 150 ha cà phê, hơn 30 ha lúa nước và gần 30 ha cây trồng khác; việc chăn nuôi dê, bò, heo… cũng khá phát triển.
Với những đóng góp của mình, già Ngôch đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2018 đến 2020; Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2020-2021.
ANH HUY