Thu hút hàng ngàn lượt người tham quan, mua sắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đến 18 giờ ngày 8-12, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và Công nghiệp thương mại Gia Lai mới chính thức khai mạc nhưng ngay từ sáng sớm, Hội chợ đã đón hàng ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm. Không khí Hội chợ càng “nóng” hơn, tưng bừng hơn khi các hoạt động văn nghệ, văn hóa được mở màn.

Sau 3 năm “vắng bóng” kể từ lần tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tại Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, đến nay Hội chợ HVNCLC mới quay lại với người dân Phố núi. Đặc biệt hơn, Hội chợ diễn ra đúng vào dịp người dân Gia Lai nô nức chào đón sự kiện khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp HVNCLC đã đến dự lễ khai mạc Hội chợ.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự (thứ hai từ trái sang) thăm Ngôi nhà triển lãm “Sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai”. Ảnh: H.D
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự (thứ hai từ trái sang) thăm Ngôi nhà triển lãm “Sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai”. Ảnh: H.D

Hội chợ diễn ra tại sân Bảo tàng tỉnh, có quy mô 350 gian hàng của 153 doanh nghiệp. Trong đó, 125 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh. Theo bà Vũ Kim Hạnh-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Gia Lai là điểm đến thứ 7 trong tổng số 9 Hội chợ HVNCLC của năm 2012. Tuy không phải là điểm đến nằm trong kế hoạch nhưng chỉ trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp HVNCLC. Các doanh nghiệp cam kết mang đến hội chợ nhiều sản phẩm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn... Qua đó, phát động chương trình “Tết dùng hàng Việt, Tết thêm yêu hàng Việt”.

Với mục đích tri ân khách hàng, ông Ngô Quốc Công-nhân viên maketing của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết: Mục đích của lần tham gia Hội chợ lần này chủ yếu là quảng bá hình ảnh đon vị, tri ân khách hàng. Khách tham quan mua sắm tại gian hàng Công ty sẽ được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi như mua hàng được tặng quà, tham dự các trò chơi miễn phí…    

Dạo quanh các gian hàng, lượng khách tham quan, mua sắm ngày càng đông, không chỉ người dân sống tại TP. Pleiku mà cả các huyện lân cận. Anh Phạm Văn Hùng đến từ huyện Chư Prông cho biết: Mấy ngày nay nghe thông tin về Hội chợ ai cũng háo hức, vì thế tối nay cả gia đình cùng về Pleiku để tham quan mua sắm. Gian hàng nào cũng đông khách, đặc biệt là những gian hàng quần áo và các sản phẩm công nghiệp thực phẩm. Cầm chai nước mắm Thái Long mới mua, chị Rcom H’Kô-đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku nói: “Hội chợ năm nay nhiều hàng đẹp, chất lượng và phong phú hơn nhiều so với những năm trước. Nhất là có nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao để mình yên tâm mua sắm mà không sợ mua phải hàng tồn kho hay kém chất lượng”.

Chị Nguyễn Thùy Dung-nhân viên maketinh Công ty cổ phần Thực phẩm Hồng Phú chia sẻ: Để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, khách hàng nên xem kỹ nhãn mác, trên chai nước mắm Thái Long luôn ghi rõ thông số sản phẩm. Đặc biệt, không chỉ là thương hiệu được bình chọn là HVNCLC mà nước mắm Thái Long còn được cấp chỉ dẫn địa lý của Phan Thiết.

Bên cạnh các gian hàng của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, các gian hàng của Gia Lai cũng thu hút đông lượng khách tham quan mua sắm. Ông Ngô Tấn Giác-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà-doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao duy nhất tại Gia Lai tham gia Hội chợ, cho biết: Tham gia Hội chợ Công ty có 49 mặt hàng phong phú gồm 15 mặt hàng cà phê bột, 7 mặt hàng cà phê hòa tan và nhiều loại đặc sản Phố núi như măng khô, tiêu, mật ong…

Đặc biệt, Công ty còn có chương trình khuyến mãi dành cho khách tham quan hội chợ như mời uống thử cà phê hoặc mua bất kỳ 1 kg sản phẩm của Công ty tại hội chợ sẽ được tặng thêm 1 kg đường Biên Hòa. Mới ngày đầu khai trương nhưng đã có rất nhiều khách hàng đến thưởng thức cà phê, đông nhất là khách đến từ các công ty TP. Hồ Chí Minh.

Hội chợ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 8 đến ngày 13-12). Đây là dịp để người dân Gia Lai có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng cao, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, nhất là khi những ngày Tết đang cận kề, nhu cầu mua sắm tăng lên...

Lê Lan

“Sản phẩm đến với Hội chợ đều là Hàng Việt Nam chất lượng cao”

(GLO)- Để hiểu thêm về công tác tổ chức cũng như thông tin về những doanh nghiệp góp mặt trong Hội chợ lần này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bà VŨ KIM HẠNH-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phó Trưởng ban tổ chức Hội chợ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA)-đơn vị đồng phối hợp tổ chức Hội chợ này.
 

Ảnh: Kim Linh
Ảnh: Kim Linh

- P.V: Yếu tố nào đưa bà cùng với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đến quyết định tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Gia Lai?

Bà VŨ KIM HẠNH: Nhân lễ khánh thành công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp giúp tỉnh trong việc tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2012 tại Gia Lai. Tuy không có trong kế hoạch ngay từ đầu năm, nhưng rất mừng là khi đưa ra chương trình này, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh rất nhiệt tình hưởng ứng và chuẩn bị chu đáo với gần 130 doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp này hầu như đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng.

Tôi hy vọng 6 ngày diễn ra Hội chợ không chỉ là những ngày hội vui, phục vụ cho nhu cầu của bà con ở đây mà còn là tiền đề để gia tăng thêm các điểm bán hàng Việt tại Pleiku cũng như các huyện, xã và các điểm bán lẻ khác.

- P.V: Muốn tham gia Hội chợ này, các doanh nghiệp phải đảm bảo những tiêu chí nào, thưa bà?

Bà VŨ KIM HẠNH: Những doanh nghiệp tham gia Hội chợ được lựa chọn rất kỹ. Đó phải là doanh nghiệp có sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao. Những sản phẩm đưa đến Hội chợ phải là những sản phẩm do chính họ sản xuất, có giá cả hợp lý, sản phẩm mới, có khuyến mãi nhiều và doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng. Đặc biệt, Hội chợ không cho người làm thương mại (tức những doanh nghiệp mua đi bán lại, không trực tiếp sản xuất sản phẩm) tham gia nhằm đảm bảo chất lượng cho Hội chợ.

Sự khác biệt về công tác đầu tư với những hội chợ khác cũng có thể thấy một cách rõ ràng thông qua cách bài trí gian hàng, đồng phục cho nhân viên, những chính sách khuyến mãi... Tại Hội chợ có sự hiện diện của nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao như: Sữa Vinamilk, Vissan, bút bi Thiên Long, nhựa Đại Đồng Tiến, vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, Acecook Việt Nam… Riêng Ngôi nhà triển lãm “Sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai” được bố trí ngay khu vực trung tâm của hội chợ. Hội chợ lần này cũng có sự tham gia nhiệt tình của những doanh nghiệp trong tỉnh như: đá Granite Anh Khoa, danh trà Thịnh Phát, siêu thị Phố Núi, gỗ nội thất Gia Khang, chè Bàu Cạn, Hợp tác xã Linh Hnga, Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Ia Lâu, Hợp tác xã Nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên… Nhìn chung, các doanh nghiệp này đã khẳng định được thương hiệu của mình.

- P.V: Bà có thể nêu vài cảm nhận về sự đón nhận của người dân Gia Lai đối với Hội chợ?

Bà VŨ KIM HẠNH: Mới qua 1 ngày nhưng hội chợ đã thu hút được đông đảo lượng khách hàng. Tuy chưa có con số thống kê chính thức lượng hàng bán ra nhưng theo báo cáo lại thì cảm nhận của người dân rất tốt. Đây là lần thứ 4 tổ chức hội chợ (lần gần nhất nhân Fesstival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009), lần nào cũng đã tạo được “thương hiệu”, được người dân tín nhiệm. Nhiều người dân đã tìm đến Hội chợ để tìm mua sản phẩm của thương hiệu yêu thích mà trên địa bàn thành phố không có cửa hàng đại diện.

Một thuận lợi của Hội chợ là được tổ chức vào vụ thu hoạch, người dân có điều kiện để mua sắm nên lượng khách đến đây khá đông, nhất là khách hàng đến từ các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

- P.V: Được tôn vinh là “người bạn của doanh nghiệp”, “bà đỡ của hàng Việt”, trước đó bà cũng là một nhà báo, vậy thâm niên làm báo giúp gì cho bà trong công việc hiện tại?

Bà VŨ KIM HẠNH: Tôi không kinh doanh mà chỉ làm công tác quản lý. Trách nhiệm vì thế cũng khác. Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu thị trường; khảo sát và tìm hiểu sở thích, tâm lý người tiêu dùng; hoàn thiện các kênh phân phối; góp phần thay đổi tư duy kinh doanh của chủ doanh nghiệp… Riêng về mối quan hệ giữa công việc hiện tại với thâm niên làm báo tôi nghĩ là có, thậm chí là chặt chẽ. Nhiệm vụ của nhà báo là tổ chức dư luận. Làm thương mại là cung cấp thông tin đến người tiêu dùng, vì vậy, đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp của một nhà báo. Hơn nữa, nghề báo là nghề tạo thói quen làm gì cũng làm đến cùng và rất chú trọng chất lượng vì phải chịu trách nhiệm trước công luận. Đó cũng là điều cần có trong hoạt động kinh doanh. Và việc góp phần thay đổi tư duy kinh doanh của chủ doanh nghiệp chính là chỗ này.

- P.V: Xin cảm ơn bà!

Hà Duy (thựchiện)

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.