Thú chơi ô tô cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài công việc kinh doanh, hơn 10 năm nay anh Trương Huy Bảo (ngụ tại đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) có thú vui nghiên cứu về xe hơi, nhất là dòng xe cổ. Đến nay, bộ sưu tập xe ô tô cổ của anh đã có 3 chiếc hoàn chỉnh về kết cấu lẫn tính thẩm mỹ.
 

 Dưới sự chăm chút tỉ mẩn của anh Huy Bảo, những chiếc xe cổ được hoàn thiện và đầy đủ chi tiết hơn. Ảnh: T.U
Dưới sự chăm chút tỉ mẩn của anh Huy Bảo, những chiếc xe cổ được hoàn thiện và đầy đủ chi tiết hơn. Ảnh: T.U

Anh Bảo cho biết, niềm đam mê của anh đối với xe cổ đã hình thành cách đây khoảng chục năm. Để thực hiện niềm đam mê ấy, anh đã lặn lội khắp trong và ngoài nước để mua cho bằng được “xác xe” ưng ý. Kể cả những linh kiện, phụ kiện như bù-loong, ốc vít... đến đèn, gương, ốp nhựa, đồ chơi trang trí cho xe… cũng được anh dày công tìm kiếm. Một số bộ phận chính hãng anh phải nhờ người quen tìm mua ở nước ngoài rồi gửi về. Giá tiền có thứ lên đến ngàn USD!

Phải thực sự yêu và hiểu xe, khi ấy mới có thể tỉ mẩn với nó được. Khi đứa hoàn thiện, với anh đó là những vật phẩm vô giá. Hiện tại, bộ ba xe ô tô cổ Peugeot, Jeep và UAZ (U-oát) là những “đứa con tinh thần” của anh. Giới thiệu cho tôi chiếc Peugeot 203 mua lại của hội xe cổ TP. Hồ Chí Minh từ năm 2007, anh Bảo cho biết: “Giá mua lại chiếc xe chỉ hơn 25.000 USD, hồi ấy là 500 triệu đồng nhưng để có được chiếc xe với đầy đủ các chi tiết, động cơ, máy móc hoạt động tốt thì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Sau khi hoàn thiện, giá trị chiếc xe đến hơn tỷ đồng”. Đây là mẫu xe đầu tiên của Peugeot được xuất xưởng khỏi nhà máy ở Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, và là kiểu thân xe nguyên khối đầu tiên của Peugeot. Với kiểu dáng mạnh mẽ, chiếc Peugeot thể hiện sự sang trọng của dòng xe cổ đắt giá một thời. Không muốn hoàn thiện chiếc xe mà thiếu đi biểu tượng sức mạnh là chú sư tử (logo của Peugeot), chủ nhân của nó đã phải tìm kiếm rất lâu và khá tốn kém mới có thể mua được biểu tượng này đặt trước nắp ca pô.

Anh Bảo chia sẻ, công ty cách xa nhà hàng chục cây số đồi dốc nên chiếc UAZ A3 sản xuất vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước được anh coi như người bạn đồng hành. Vốn là dòng xe địa hình hầm hố, song nhìn chiếc UAZ A3 do anh Huy Bảo sở hữu có thể thấy được sự yêu mến và chăm chút của chủ nhân. Do mua lại từ một người chủ cũ tại Bình Định nên chiếc UAZ vẫn mang biển số 77K-4300. Xe nguyên bản có 4 ghế ngồi. Song, qua độ chế, băng ghế phía sau được ngả phẳng làm thành chỗ nằm. “Đối với chiếc xe mạnh mẽ này, việc chọn gọng gương chiếu hậu to bản, phù hợp với cá tính của xe cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.  Ngoài ra, xe đẹp thôi chưa đủ mà phải có động cơ tốt, đảm bảo an toàn khi vận hành”-anh Bảo bộc bạch. Để có được chiếc UAZ có một không hai này, anh đã phải tìm hiểu rất kỹ về động cơ, tua máy bao nhiêu lần quay/phút để từ đó “thiết kế” thành chiếc xe địa hình hữu ích nhất, tiết kiệm nhiên liệu.

Trong bộ ba xe cổ của anh còn phải kể đến chiếc Jeep từ thời Đệ nhị thế chiến mang đầy đủ phụ tùng đi kèm như xẻng, radio, loa phát thanh, bộ đàm, bi-đông nước… Để sở hữu được những món đồ ấy, anh đã phải nhờ người quen ở nước ngoài tìm mua lại với giá rất cao chỉ để cho trọn bộ. Đối với anh đó là niềm vui, là sở thích chứ không phải là sự phô trương.

Các xe cổ do anh Bảo độ chế không những giúp anh thỏa niềm đam mê mà còn là một phương tiện hữu ích. Chiếc Peugeot 203 anh dùng đi dạo quanh phố và cho các đôi tân lang-tân giai nhân thuê rước dâu. Chiếc UAZ và chiếc Jeep cổ được sử dụng đi địa hình đường đồi núi rất phù hợp, tiết kiệm nhiên liệu, chỉ 5-6 lít xăng cho 100 km. Anh Bảo khẳng định: “Có nhiều người đam mê sưu tập xe ô tô cổ giống như tôi. Nhưng chắc chắn để yêu thích tìm hiểu từng chi tiết một và độ chế thành những chiếc xe độc đáo như thế thì rất ít người. Tôi vẫn sẽ tiếp tục nung nấu ý tưởng và thực hiện niềm đam mê này. Mong rằng những người yêu thích xe ô tô cổ sẽ cùng nhau thành lập một hội để giao lưu và cùng chia sẻ kinh nghiệm chơi xe”.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm