Trên đường bàn giao nhà cho người nghèo ở xã Ia Hla- huyện Chư Pưh (Gia Lai)- lúc ngang qua một con suối có mấy cây sung cành rễ sum suê, một người chợt cất tiếng: “Mấy cây sung đẹp quá. Nó chưa bị đào trộm kể cũng lạ”. Ngay lập tức, một cán bộ huyện có mặt trên xe liền cất tiếng: “Cũng đã có người có ý nghĩ xấu nhưng chính quyền kịp cảnh cáo ngăn chặn nên lại thôi. Nhưng...”. Tôi hiểu nỗi ngập ngừng không chắc chắn nó sẽ còn đứng đó bao lâu, khi mà bây giờ ai cũng đổ xô chơi cây cảnh, cổ thụ.
Không khó khăn gì để có thể liệt kê ra hàng ngàn, hàng vạn trường hợp chơi trội như thế trong nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị. Một anh bạn nọ tỏ thái độ bất mãn với tôi vì công ty anh bị báo chí “điểm mặt” vi phạm đào cây rừng về làm bon sai, xây dựng cảnh quan văn hóa (?)
Ảnh: T.T |
Xóm tôi có một anh làm cho doanh nghiệp, mới rồi khánh thành ngôi nhà mới, cũng là lúc góc sân cỏn con của anh án ngữ 2 gốc lộc vừng cao lớn gần chục mét. Chả biết quan niệm của anh như thế nào nhưng nhiều người thấy nó ngang phè, chả cân đối, hài hòa gì ráo trọi với không gian nhỏ thó của ngôi nhà.
Do “thiên nhiên” là những cây cao lớn, cổ thụ nên nhiều người lại đâm ra sợ. Sao mà chẳng sợ khi các cụ đã từng khuyến cáo: “Ma cây gạo, cú cáo cây đề”? Vậy là nhiều người lại nhang khói thờ cây, kẻo bị thần cây vật chết.
Lần đến một đơn vị đứng chân ở huyện biên giới Đức Cơ, tôi thấy dưới gốc cây sanh to lớn trước cơ quan treo lúc la lúc lỉu những bình vôi, lọ cắm nhang chi chít. Hỡi ơi, chơi cây như thế thì bằng mười phụ cây? Chơi mà chẳng có chút bản lĩnh gì ráo trọi?!
Chưa hết, cùng với thú chơi cây sống là thú chơi “cây chết”-đồ gỗ. Lạ là nhiều người hễ khấm khá lên tí chút là khoe mẽ, hợm mình. Những bộ bàn ghế giáng hương dưới dạng gỗ lũa cầu kỳ, chạm khắc chim muông, hoa lá; những cặp độc bình to đùng, nghễu nghện; những sập gụ, phản gỗ lạnh lẽo, mặt mét rưỡi, hai mét, dày vài chục phân, nặng hàng tấn đã trở nên phổ biến trong nhiều gia đình lắm tiền.
Hỏi có đẹp không, giá trị không? Xin thưa, đẹp thì chưa nói, nhưng giá trị thì có, không nhiều thì ít. Bởi, cũng như cây cảnh giá trị có đến cả vài chục tỷ đồng, một bộ đồ gỗ cồng kềnh, nghênh ngang, cầu kỳ, màu mè như thế giá phải từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Những năm gần đây, rất nhiều gia đình chơi tượng phật Di lặc. Gần như nhà nào cũng có một ông Phật đứng hoặc ngồi phễnh bụng ra mà cười suốt ngày suốt đêm. Những món đồ độc thì phải trưng bày ở phòng khách, cho nhiều người thấy mới đã! Tội là không ít người đã phải trả giá cho thú chơi trọc phú của mình vì trót sẩy chân té ngã hay vấp phải làm cho u đầu mẻ trán.
Những món đồ độc đó lấy từ đâu ra? Hỏi chỉ để hỏi chứ ai mà chẳng biết! Đồ chơi từ cây sống hay cây chết thảy đều có nguồn gốc cả. Chắc là số hợp pháp không nhiều.Vậy mà nó vẫn xuất hiện ở khắp nơi. Cây rừng vẫn bị đào gốc, trốc rễ về làm cây cảnh, cùng với chim muông cầm thú ráo riết bị săn lùng và cầm tù.
Ủy ban Nhân dân tỉnh từng có chỉ thị cấm đào bới cây sống cũng như cây chết, nói chung là hành vi xâm hại đến rừng, phá vỡ môi sinh đều bị cấm. Vậy mà hiện nay đâu đâu cũng xuất hiện cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến đồ gỗ, tạo tác Thần tài, Di lặc, Phúc-Lộc-Thọ... Xe chở gỗ nhập về các cơ sở này công khai cả ban ngày. Tiếng máy cưa, máy bào, xé gỗ đến rách màng tai hàng xóm. Nhiều khách hàng “xộp” quen mặt quen tên từ chỗ chơi tiến đến lợi dụng kinh doanh kiếm lời, vào ra các cơ sở này như cơm bữa mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào bén mảng kiểm tra.
Có gì đáng chơi, có gì vẻ vang, sang trọng, đẳng cấp khi mà chỉ cần 2 cơn lũ năm rồi là sự thật nông thôn miền Trung nghèo nàn, bấp bênh phơi bày ra tất cả. Có gì đáng chơi, có gì sung sướng khi mà thú chơi đó là tàn phá rừng, gián tiếp, trực tiếp gây ra lụt lội, bão tố, thiên tai. Hàng trăm bài báo đề cập đến hậu quả tai hại do thiên tai gây ra năm rồi có nguyên nhân từ sự phá hoại của con người là như thế.
Chơi phải có văn hóa, nên hiểu là thế!
Thất Sơn