(GLO)- Ngày 19-2-2013, tại tiểu khu 253 trên núi Chư Nâm, thuộc địa bàn thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah đã xảy ra vụ cháy rừng thông 3 lá trồng từ năm 2003. Gần 4 giờ tổ chức chữa cháy vẫn không thể khống chế được ngọn lửa, lực lượng chữa cháy được lệnh rút khỏi điểm cháy. 5 giờ sáng ngày 20-2-2013, lực lượng hơn 40 người lại tiếp tục vượt cung đường hơn 5 km vắt vẻo triền núi đến điểm cháy thực hiện công việc chữa cháy. Gần 9 giờ ngày 20-2-2013, ngọn lửa tại khu vực núi Chư Nâm đã được khống chế.
Lửa cháy lan vào khu vực rừng trồng của dân tại xã Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo xác định ban đầu của UBND huyện Chư Pah, địa điểm cháy thuộc tiểu khu 252 thuộc địa bàn xã Hòa Phú và tiểu khu 253 thuộc địa bàn thị trấn Phú Hòa. 2 tiểu khu này đều thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Tổng diện tích bị cháy khoảng 150 ha lau lách, rừng thông trồng năm 2003, 2004 và rừng thông đã bị cháy năm 2010 đang trong thời kỳ phục hồi. Cụ thể mức độ thiệt hại hiện chưa thể xác định được.
Ai cũng nghĩ ngọn lửa ở núi Chư Nâm được khống chế đồng nghĩa với việc kết thúc công tác chữa cháy rừng; song thực tế lại không phải vậy. Dưới tác động của những đợt gió mạnh, ngọn lửa tại điểm cháy Chư Nâm thuộc địa bàn thị trấn Phú Hòa, xã Hòa Phú bén đến các phần đất rừng trên đỉnh núi Chư Nâm thuộc địa bàn xã Chư Jôr và khu vực núi của xã Chư Đăng Ya tiếp tục thiêu cháy rừng thông 3 lá trồng từ 2004 đến năm 2010.
Lửa cháy tại khu vực rừng trồng xã Chư Jôr. Ảnh: Nguyễn Giác |
Núi Chư Nâm thuộc địa bàn xã Chư Jôr nằm sát hồ thủy lợi Tân Sơn, song nguồn nước từ hồ thủy lợi không giúp ích gì cho công việc chữa cháy bỡi lẽ con đường lên điểm cháy dốc đá dựng đứng không thể đưa nước lên chữa cháy. Vì vậy, gần 600 con người thuộc lực lượng của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah; Công an, huyện đội; cán bộ, dân quân tự vệ các xã; kiểm lâm các hạt Chư Pah, Chư Sê, Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai và đội kiểm lâm cơ động số 2 phải vượt cung đường đá sỏi gập gềnh lên đỉnh núi sử dụng công cụ chữa cháy thô sơ để dập 2 điểm cháy đang bùng phát mạnh, cột lửa có lúc cao lên 10 m.
Ngặt nỗi, hiện trạng rừng lau lách cao ngang đầu người, thực bì nhiều nên đám cháy bùng phát dữ dội. Đến 11 giờ ngày 20-2-2013, sau khi khống chế được một điểm cháy, lực lượng xuống núi và được tiếp ứng bằng nước, cơm hộp để có sức tiếp tục cho công việc dập lửa điểm cháy còn lại; một phần lực lượng của xã Chư Jôr chi viện sang chữa cháy khu vực xã Chư Đăng Ya; trong đó có 1 nữ là chị Lê Thị Kim-giáo viên trường tiểu học Chư Jôr. Cô giáo Kim nói: Cô được tham gia lớp tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy do Phòng Giáo dục huyện tổ chức nên lúc 4 giờ sáng ngày 20-2 nghe đài phát thanh xã huy động người đi dập lửa, tôi liền chuẩn bị ít đồ đến xã để cùng 40 người khác đến điểm cháy để cứu rừng. Từ xã đến nơi cháy gần 2 giờ, ai cũng đều mệt, nhưng thấy đám cháy cái mệt cũng tan biến để lại lao vào dập lửa.
Lực lượng xã Chư Jôr điểm quân số tiếp tục chi viện cho xã Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Giác |
Rời khu vực cháy của xã Chư Jôr theo con đường liên xã đến xã Chư Đăng Ya trong cái nắng gay gắt. Theo hướng những ụn khói đen ngút trời bốc lên từ núi để tìm đến điểm cháy. Cách đám cháy không xa là nhà anh Rơ Châm Thoan, làng Jơ Ri, xã Chư Đăng Ya, anh Thoan cho biết ngọn núi đang cháy có tên là Chih Dut Man. Ngày 19-2, khi đang đi nhổ mỳ anh thấy khói, lửa bốc lên từ núi Chư Nâm. Đến khuya ngày 19-2, ngọn lửa từ núi Chư Nâm bắt sang núi Chih Dut Man và bùng cháy mạnh. Lửa cháy từ đỉnh núi cháy xuống chân núi đe dọa hoa màu của dân.
Ông Y Dung-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: Sau khi phát hiện đám cháy, lãnh đạo xã đã thông báo đến các làng; đồng thời huy động lực lượng dân quân, tự vệ, cán bộ công chức xã là 85 người chưa tính các hộ dân làm rẫy khu vực cháy tham gia chữa cháy từ lúc 5 giờ ngày 20-2. Lực lượng chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 5-6 người dập lửa. Tuy nhiên gió thổi mạnh nên điểm cháy vừa dập tắt xong lại bắt cháy do các đốm lửa ở điểm cháy khác bay sang. Khó khăn là vậy, song nhờ sự nỗ lực của lực lượng chữa cháy, đến 16 giờ cùng ngày, các đám cháy trên địa bàn xã cơ bản được dập tắt.
Lửa cháy tại khu vực rừng trồng dưới chân núi Chih Dut Man. Ảnh: Nguyễn Giác |
Bên cạnh lực lượng được xã huy động để ngăn cản đám cháy tiếp tục cháy đến gần nhà dân thì nhiều hộ nông dân có rừng trồng là cây tràm cũng huy động bà con họ hàng từ nơi xa về để cứu rừng cây mình đã trồng sắp đến ngày thu hoạch; trong đó có gia đình ông Nguyễn Thông-sống tại xã Chư Jôr có hơn 1 ha rừng tràm trồng tại chân núi Chih Dut Man đang có nguy cơ bị lửa thiêu rụi. Tại nơi cháy, ông Thông cùng các con, cháu của mình vừa dập lửa, vừa nói: Không biết lửa ai đốt mà cả rừng thông cháy trụi. Để giữ hơn 1 ngàn cây tràm 6 năm tuổi tôi phải huy động cả nhà, con cháu gần chục người để ra sức dập lửa. May mà ông trời còn thương, gió dừng hẳn nên số tràm của nhà tôi còn giữ được qua năm này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai, đến 16 giờ ngày 20-2 các đám cháy lớn tại các xã đã cơ bản được khống chế. Theo chủ tịch UBND huyện Chư Pah-ông Trần Như Thảo thì lãnh đạo huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo và huy động lực lượng, nguồn lực để chữa cháy rừng, cố gắng dập tắt lửa tại các điểm cháy trên địa bàn huyện trong ngày 20-2-2013. Nguyên nhân cháy rừng đang được cơ quan chức năng điều tra, song theo ông Thảo rất có thể là do người dân đốt đót, tạo điều kiện cho đót phát triển vào mùa mưa.
Tiếp ứng lương thực, nước uống cho lực lượng cứu rừng. Ảnh: Nguyễn Giác |
Hiện tại, cơ quan chức năng chưa thể xác định được diện tích rừng bị cháy tại địa bàn xã Chư Jôr và Chư Đăng Ya là bao nhiêu; song theo nhìn nhận của phóng viên thì diện tích đất có rừng bị cháy không dưới 100 ha.
Ngoài các điểm cháy tại địa bàn các xã thuộc huyện Chư Pah đã được khống chế thì tại ngọn núi đối diện xã Chư Đăng Ya thuộc xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa xuất hiện đám cháy từ 13 giờ. Khi chúng tôi rời xã Chư Đăng Ya lúc 16 giờ đám cháy tại đây vẫn đang bốc khói; đồng thời tại núi Chư Nâm thuộc địa bàn xã Chư Jôr-điểm cháy đã được khống chế lúc trưa đã bốc cháy trở lại. Hiện tại huyện đang tập trung lực lượng để dập lửa.
Quang Văn-Nguyễn Giác