Ông Phạm Văn Tía-Chủ nhiệm Hợp tác xã Cửu An 1-đơn vị được Phòng Kinh tế thị xã An Khê chọn làm điểm thực hiện đề án chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất lúa xác nhận ĐV108, CH207 cho 40 hộ xã viên của Hợp tác xã với diện tích 10 ha, khẳng định: Quá trình trồng khảo nghiệm giống lúa xác nhận CH207 và ĐV108 đã kết thúc cách đây hơn một tháng. Hiệu quả rõ nhất là năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, cao hơn từ 5 tạ đến 10 tạ/ha so với giống lúa Khang Dân, Hương Thơm. Tổng sản lượng giống lúa xác nhận hơn 55 tấn thu được từ đề án giúp Hợp tác xã chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân gieo sạ vụ mùa năm nay và các vụ sản xuất tiếp theo; đồng thời mở ra hướng hoạt động mới cho Hợp tác xã là hình thành dịch vụ cung cấp giống lúa có chất lượng cho nông dân trong và ngoài địa bàn. Thông qua quá trình thử nghiệm, nông dân nắm chắc kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp khử lẫn trên các ruộng lúa giống; bố trí thời vụ phù hợp, tạo điều kiện cho lúa trổ bông vào giai đoạn thời tiết thuận lợi; xác định lượng phân bón các loại, cách bón và giai đoạn bón phân hợp lý giúp cây lúa phát triển.
Bên cạnh cây lúa nước, cây mía, mì, rau, hoa cũng được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của thị xã. Trong đó quan trọng nhất là cây mía. Người dân trồng mía ở thị xã An Khê còn nhớ giống mía R579 có nguồn gốc từ nước Pháp, xuất hiện trên đồng đất thị xã tầm 10 năm trước. Xa hơn là giống mía F157 xuất hiện những năm 1976 đã tạo dấu ấn mạnh với người trồng mía nhờ năng suất bình quân đạt từ 100 tấn đến 120 tấn/ha từ phương pháp trồng thâm canh. Theo thời gian, 2 loại giống mía này bị thoái hóa, năng suất mía giảm dần. Để khôi phục, cơ quan chuyên môn thị xã phối hợp với Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Đường Bình Định và nhiều cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh triển khai dự án sản xuất giống mía F157 và R579 theo phương pháp nhân nhanh 40.000 cây giống mía bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, làm cơ sở phục tráng giống mía F157 và R579 trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận bằng phương pháp nhân giống cấp 1 từ giống cấy mô tế bào, nhân giống cấp 2 từ giống cấp 1, nhân giống cấp 3 từ giống cấp 2 đưa vào trồng đại trà, từng bước thay thế giống mía cũ đã bị thoái hóa, góp phần tăng năng suất mía cho nông dân. Cũng bằng phương pháp nuôi cấy mô đã cho ra đời 194.700 cây hoa đồng tiền, cẩm chướng, ly ly, cúc, hồng.
Ông Mang Viên Tý-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: Thành công của công tác khảo nghiệm nhân giống, phục tráng giống lúa, mía, hoa chất lượng cao không chỉ tạo ra lượng giống tại chỗ đáp ứng nhu cầu của nông dân, khắc phục thực trạng không chủ động nguồn giống gieo trồng lâu nay mà còn là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng định hình vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Lãnh đạo thị xã xác định khu vực nội thị, vùng ven với đặc thù đất canh tác ít nên vận động nhân dân sử dụng quỹ đất trồng hoa, rau xanh trong nhà lồng. Khu vực các xã phát triển lúa nước; nhân rộng diện tích trồng mía, mì ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến hoạt động. Tận dụng mặt nước lòng hồ An Khê-Ka Nak nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, trong quy trình nhân rộng diện tích, định hình vùng chuyên canh rau, hoa, lãnh đạo thị xã huy động sức trẻ đoàn viên thanh niên tiếp cận kỹ thuật làm nhà lồng, trồng rau, trồng hoa chuyển giao đến các hộ nông dân khác; đồng thời xúc tiến việc thành lập trang Web giới thiệu hoa “thương hiệu thị xã An Khê” rộng rãi đến người tiêu dùng trong nước.