(GLO)- Năm 2015, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả nên tổng thu ngân sách nhà nước cả năm trên địa bàn đạt khá cao với trên 3.314 tỷ đồng, đạt 132,2% dự toán Trung ương giao, vượt 22,7% dự toán HĐND tỉnh đề ra; tăng thu 614 tỷ đồng. Trong đó các khoản thu cân đối ngân sách 3.101 tỷ đồng, đạt trên 123,8% dự toán Trung ương giao, vượt 21,3% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5,3% so với năm trước. Điều đáng quan tâm là năm 2015 thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khá cao, đạt trên 209% so với dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 200,3% so với năm trước.
Nhờ thực hiện các giải pháp huy động thu ngân sách đạt tiến độ nên tỉnh ta đã đảm bảo nguồn cân đối chi trả kịp thời các khoản chi theo chế độ, nhất là đối với tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lương hưu, trợ cấp người có công, trợ cấp đối với cán bộ xã nghỉ việc và các chế độ chính sách an sinh xã hội, các khoản chi quốc phòng- an ninh. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép nhiều khoản kinh phí để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Tổng chi thực hiện cả năm trên 8.172 tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán đề ra, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương thực hiện trên 601 tỷ đồng, đạt 113,8% dự toán; chi thường xuyên trên 5.884 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán, tăng 3% so với năm 2014.
Việc phân khai ngân sách sớm đã tạo sự chủ động cho đơn vị, các nhu cầu chi theo dự toán được đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã chủ động lập kế hoạch chi tiêu theo dự toán được giao. Ngành Tài chính đã kịp thời hướng dẫn các đơn vị dự toán thực hiện sớm với trên 1.309 tỷ đồng theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Nhờ đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đạt được kết quả này, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, cũng như sự phối hợp của các cơ quan chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công chức ngành Tài chính tỉnh nhà.
Trên phạm vi quản lý vĩ mô, ngành sẽ chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đổi mới và cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng tích cực, mở rộng phân cấp cho ngân sách cấp huyện, cấp xã, cho các sở, ngành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hoàn chỉnh định mức phân bổ ngân sách, tỷ lệ điều tiết và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương giai đoạn 2017-2020 theo hướng gắn quyền lợi với trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện, tăng cường nuôi dưỡng, đảm bảo cơ sở vững chắc để nguồn thu tăng theo hướng tích cực, lâu dài đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định chính trị, xây dựng tiềm lực quốc phòng, phòng thủ quân sự vững chắc, ưu tiên đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực phát triển, tạo điều kiện đầu tư tốt hơn cho các vùng khó khăn, biên giới. |
Bước sang năm 2016, nền kinh tế nước ta được dự báo có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn khó khăn, thách thức. Gia Lai là một tỉnh miền núi với nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu. Hiện nay, các mặt hàng này giá cả biến động thất thường, ở mức thấp; phần lớn diện tích đã già cỗi, phải tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng, lại đang phải thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người lao động do phải tổ chức lại sản xuất-kinh doanh. Điều này cũng tác động rất lớn đến các hoạt động tài chính-ngân sách của địa phương, sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn. Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vẫn còn không ít trở ngại, đồng thời, thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sản lượng phát điện. Việc thực hiện nhiều chính sách thuế mới, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn giảm từ 22% xuống còn 20%, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN 20% được giảm xuống 17% nên thuế TNDN các doanh nghiệp trên địa bàn giảm so với năm 2015.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2016, trong khi yêu cầu dự toán thu phải tăng hơn 12% so với năm trước, trong đó thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn phải tăng hơn 13,2% là rất khó khăn, ngành Tài chính tỉnh phải chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2015-2016; triển khai thực hiện tốt các Luật Thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND tỉnh; tăng cường quản lý thu hồi các khoản nợ ngân sách, nợ đọng thuế. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gắn với sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, du lịch của địa phương. Tăng cường công tác quản lý giá cả các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát như: xăng, dầu, khí, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi... Tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tận dụng cơ hội khai thác và phát huy mọi nguồn lực, mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Trên lĩnh vực chi ngân sách, ngành cần tham mưu tốt việc rà soát phân bổ các khoản chi ngân sách một cách hợp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước; thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực đầu tư công chặt chẽ, hiệu quả; đề xuất thực hiện Nghị định của Chính phủ, thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ bổ sung xu hướng giảm của đầu tư công do thu ngân sách giảm; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; tiếp tục triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ. Chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; giá cả các sản phẩm, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch tiếp tục được rà soát theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất-kinh doanh thực tế hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá cả thị trường, thu hút các thành phần kinh tế khác cùng tham gia cung ứng dịch vụ công. Tạo môi trường cạnh tranh, đảm bảo công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, phấn đấu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Ths. Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính