(GLO)- Bây giờ ở Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), người làng gọi Siu Broang là “người rừng”. Bởi lẽ, gần 10 năm nay Siu Broang sống ẩn mình trong hang đá, trên vùng núi cao hoang vắng phía bên kia sông Ayun, tách biệt với cộng đồng.
Vượt sông tìm “người rừng”
Bơi qua sông tìm “người rừng”. Ảnh: Nguyễn Tú |
Theo người làng thì Siu Broang khoảng 35 tuổi, đã có vợ và hai con, trước đây cả gia đình sinh sống tại Plei Ơi, xã Ayun Hạ. Sau khi Broang bỏ vào rừng sống một thời gian thì người vợ đã dẫn con cái về Plei Lok, xã Ia Ake sinh sống. Hiện bố mẹ đẻ Broang vẫn sống tại làng, thường cùng con cái vào rừng tiếp tế lương thực, thức ăn cho Broang.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, họ Siu thuộc dòng dõi Pơ tao A Pui-“Vua Lửa”. Theo truyền kỳ, các Pơ tao A Pui có thể cúng cầu mưa, giải hạn bệnh tật, được cộng đồng người Jrai tại huyện Phú Thiện cũng như đồng bào dân tộc Jrai khu vực Đông Nam tỉnh kính trọng. Theo lời chỉ dẫn của người dân trong buôn, chúng tôi quyết định mạo hiểm vượt núi, băng sông tìm “người rừng” khi những thông tin về con người kỳ lạ này vô cùng ít ỏi. Khu vực Broang lựa chọn làm nơi trú ẩn là vùng núi đá cao, rừng le và cây bụi ngăn hết lối đi, bị ngăn cách với cộng đồng Plei Ơi bởi con sông Ayun. Với mong muốn tiếp cận được với khu vực trú ẩn của “người rừng”, chúng tôi buộc phải bơi qua khúc sông Ayun dẫu ngắn nhưng vô cùng hiểm trở bởi lòng sông lọt thỏm giữa hai bên vách núi cao. Đầu mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về khiến con sông Ayun trở nên hung hãn.
Nhiều vật dụng đựng thức ăn, nước uống và bao ni lon vương vãi trên mặt đất theo lối mòn lên hang đá. Ảnh: Đức Phương |
Để tìm được hang đá nơi trú ẩn của Broang quả không hề dễ, giữa mênh mông núi đá và cây bụi, chúng tôi phải chia nhau đi bộ nhiều vòng để tìm kiếm. Hang đá “người rừng” trú thân được bao bọc bởi nhiều hòn đá to sừng sững, xếp chồng lên nhau hoặc nằm rải rác như những con voi khổng lồ đang phủ phục. Một lối mòn nhỏ len lỏi giữa núi đá dẫn lên hang được bao phủ bởi cỏ dại và tre nứa. Theo anh Ksor Thin-một người dân Plei Dát đang làm rẫy gần khu vực “người rừng” trú ẩn mà chúng tôi gặp trong chuyến hành trình thì trước đây vùng núi đá này là rừng thiêng của người Jrai. Tương truyền khu vực này là nơi các đời Pơ tao A Pui cất giấu gươm thần. Bởi thế người dân đều tránh xa mà không nhà nào dám qua làm rẫy. Vì thế, từ khi Broang bỏ làng đến ở trong hang đá, người dân các làng mới qua đây phát rẫy trồng trọt.
Chạm mặt
Giữa bốn bề vắng lặng, chúng tôi cất tiếng hú gọi ầm ĩ nhưng đáp trả chỉ là tiếng vọng lại của chính mình. Theo lối mòn lên hang, chúng tôi phát hiện nhiều vật dụng đựng thức ăn, nước uống và bao ni lông nằm vương vãi trên mặt đất. “Người rừng” nằm giấu mình trong góc tối của hang đá. Không có chiếu lót nền, gối đầu trên một tấm chăn màu đỏ loang lổ và đắp trên người một tấm chăn mỏng màu vàng cũ kỹ, bốc mùi hôi ngột ngạt. Broang cởi trần, phía trên đầu trùm một chiếc áo mỏng xanh cũ kỹ.
“Người rừng” Broang trong hang đá. Ảnh: Nguyễn Tú |
Sau nhiều tiếng gọi hỏi, “người rừng” dè dặt mở chăn trùm khỏi đầu hé mắt ngó nhìn. “Người rừng” có râu, tóc dài rậm, da bủng vàng trả lời bằng thứ tiếng mà chúng tôi nghe không hiểu. Tuy nhiên trong cuộc hội thoại dài, Broang nói được nhiều tiếng Kinh. Khi chúng tôi đưa máy chụp hình ra chụp, “người rừng” tỏ thái độ không đồng tình, rụt cổ, trùm chăn che nửa mặt.
Kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi không thu lượm được mấy thông tin vì các bên không hiểu ngôn ngữ của nhau. Chúng tôi theo lối mòn rời khỏi hang, “người rừng” Broang bỗng cất tiếng chào và hát một bài hát tiếng Việt nghe khá rõ lời. Trên đường về, chúng tôi gặp 3 cô cháu gái của “người rừng” Broang cùng hai bạn trai chuẩn bị vượt sông để tiếp tế thực phẩm. Cô cháu gái tên Rơ Mah H’Nguyên cho biết: “Chú Broang của em qua đó ở gần 10 năm rồi, không biết lý do vì sao nữa. Người nhà qua động viên chú về làng nhưng ông không chịu, cứ ở miết trong hang đá. Sợ chú bị chết đói nên em thường rủ bạn đưa cơm và thức ăn đến. Những hôm mưa lớn, nước sông dâng cao thì đành chịu”.
Hai cô cháu gái tiếp tế lương thực cho "người rừng". Ảnh: Đức Phương |
Trước khi vượt sông, lên núi tìm “người rừng” chúng tôi được ông Phạm Tiến Luận-Trưởng Công an xã Ayun Hạ xác nhận: Lúc mới bỏ làng, Siu Broang lên một hang núi phía sau vai đập hồ thủy lợi Ayun Hạ để ở, sau thì chuyển xuống vùng núi Đá. Mới đây, ông Luận và một số người bí mật đi theo và bắt gặp “người rừng” đang ngồi phơi nắng trên một tảng đá ở gần sông Ayun. Tóc và râu ở cằm dài ngang lưng và bụng. Thấy người lạ, người rừng trốn tránh, nhảy từ tảng đá to này đến tảng đá to khác rất điêu luyện. Khi nghe tiếng gọi của người Jrai đi trong đoàn thì Broang dừng lại và rụt rè nói chuyện. “Qua cuộc nói chuyện, chúng tôi nhận thấy “người rừng” tỉnh táo, biết rất nhiều chuyện đang diễn ra tại Plei Ơi. Gợi ý trở về làng sinh sống thì ông ta cương quyết lắc đầu. Chúng tôi định bắt dẫn về làng thì “người rừng” vùng thoát rồi nhảy qua mấy tảng đá trước mặt nhanh như một con khỉ vào phía rừng cây rậm rạp lẩn mất hút”-ông Luận nói.
Một người đàn ông bỗng dưng bỏ làng chuyển vào rừng sinh sống, trú ẩn trong hang đá như người nguyên thủy đang là câu chuyện khiến nhiều người dân ở Ayun Hạ hiếu kỳ, đồn thổi gần chục ngày nay.
Đức Phương - Nguyễn Tú