(GLO)- Mùa xoay nào về cũng có người mãi mãi nằm lại giữa rừng sâu ở huyện Kbang. Thế nhưng, những người hái xoay vẫn vắt vẻo trên ngọn cây cao vút, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để mang về những bao xoay nặng trĩu. Tất cả, cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh...
Vào mùa…
Hơn 7 giờ sáng, khi màn sương vẫn phủ mờ mịt trên những con đường ở xã Sơn Lang (huyện Kbang), anh Trương Quốc Hiệp đã chuẩn bị sẵn đồ nghề cho chuyến đi rừng hái xoay: một chiếc xe máy dã chiến, một đôi tất phủ kín chân để tránh vắt, một sợi dây thừng, một chiếc bao cùng với con dao chuyên để đi rừng. Ở thôn Điện Biên, anh Hiệp là một trong những người sành sỏi về rừng nhất, đặc biệt là việc trèo xoay. Đi cùng với anh Hiệp là anh Nguyễn Văn Chương, nổi tiếng là một thợ rừng rành rọt vị trí của từng bãi xoay.
Anh Hiệp vắt vẻo trên cành cây xoay. Ảnh: L.V.N |
Anh Chương cho biết: “Kbang là thủ phủ của xoay, đặc biệt là ở Sơ Pai, Sơn Lang có nhiều bãi xoay lớn, quả sai và ngon hơn những vùng khác. Thường thì 3 năm xoay mới rộ trái một lần, năm nay xoay cho trái nhiều, quả ngon nên nhiều người đi hái. Mùa xoay thường bắt đầu vào giữa tháng 9 và kéo dài trong vòng hơn một tháng”. Cũng theo anh Chương, những năm trước, khi những cánh rừng Kbang còn nhiều xoay, nhiều người ở các vùng khác đổ về để hái xoay vì cho thu nhập rất cao. Nhưng cây xoay ngày một hiếm. Mỗi nhóm hái xoay thường có 2-5 người, trong đó chắc chắn phải có một người giỏi leo trèo.
Những tia nắng ấm bắt đầu xuất hiện, chúng tôi tiến vào rừng cùng với hai người thợ rừng ở thôn Điện Biên. Từ con đường Trường Sơn Đông, chúng tôi vượt qua hơn 5 km đường mòn trơn như mỡ rồi tập kết xe ở khu vực Ba Trại để đi bộ vào rừng. Trên con đường mòn đi xuyên rừng, hai người thợ rừng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rùng rợn nhưng đượm buồn của nghề hái xoay. “Nghề này bạc như vôi, tiền thì kiếm được cũng chỉ hườm hườm, còn mạng sống thì chả khác nào đánh đu. Ở đất Kbang này, năm nào chẳng có người ngã vì hái xoay, may lắm thì mới giữ được tính mạng”-anh Hiệp tâm sự.
Anh Chương tiếp lời: “Chả phải ở đâu xa, 5 năm trước có một anh chàng leo trèo rất giỏi ở trong nhóm hái xoay của mình, cả vùng này cậu ấy nổi tiếng là trèo nhanh, chặt giỏi. Thế mà lần đó không hiểu vì sao mà sẩy chân, trượt té từ trên cao gần 30 mét xuống...”. Ký ức về ngày kinh hoàng ấy khoét sâu vào tâm trí của những người thợ rừng. Họ tiếc thương người bạn đồng hành rồi nghĩ cho chính bản thân mình…
Mỗi thợ rừng có thể hái từ 20 đến 25 kg xoay/ngày. Ảnh: L.V.N |
Đánh đu với tử thần
Chúng tôi đi bộ được khoảng 30 phút, anh Chương thông báo đã tới bãi xoay rồi cắt ngang từ đường mòn vào rừng. Gọi là bãi, nhưng những cây xoay mọc cách nhau hàng chục đến hàng trăm mét. Xoay là loại cây to đến 2-3 người ôm, cao 25-35 mét, vỏ cây màu trắng xám, rất dễ nhận biết. Người hái xoay thường nhìn dưới gốc xem quả rụng để biết cây xoay có trái hay không trước khi trèo.
Đứng dưới gốc một cây xoay khá lớn, anh Hiệp phát hiện thấy những quả xoay nhỏ, lông mịn như nhung liền ngắm nghía xung quanh rồi chuẩn bị dây. “Cây xoay to lắm nên không thể trèo được, mình phải mượn những cây nhỏ mọc xung quanh để trèo lên, cây nào khoảng cách ở xa thì dùng dây thừng vít qua”- anh Hiệp cho biết.
Nói rồi, anh Hiệp buộc một đầu sợi dây thừng vào cây xoay, đầu kia buộc vào người và nhanh như sóc, anh thoăn thoắt trèo lên cây nhỏ chỉ bằng bắp chân người. Chưa đầy nửa phút, anh đã trèo lên đỉnh ngọn cây nhỏ cao chừng 15 mét, cách thân cây xoay gần 2 mét. Sau đó, anh Hiệp nắm lấy sợi dây thừng, dùng tay vít sợi dây kéo anh và ngọn cây nhỏ lại sát với cây xoay rồi anh chuyền hẳn qua cây xoay, sợi dây vẫn ở đó để dùng cho lúc tụt xuống.
Nhìn cảnh này, chúng tôi không khỏi rợn người, bởi mùa mưa, thân cây trơn trượt, những người trèo xoay chỉ cần sơ sẩy là có thể... tan xương nát thịt. Anh Hiệp tiếp tục leo lên cây xoay ở độ cao hơn 30 mét cùng với con dao đi rừng dắt ở thắt lưng. Từ đây, anh Hiệp thoắt ẩn thoắt hiện trong những tán cây rậm rạp. “Giờ mới là lúc nguy hiểm nhất, người trèo xoay vừa phải bám chắc vào cây, vừa đứng cheo leo dùng dao chặt từng cành cây nhỏ. Mình không bao giờ chặt cành lớn vì còn phải để những năm sau cây còn tiếp tục ra trái”- anh Chương cho hay.
Những chùm xoay trĩu quả được đánh đổi bằng tính mạng của người hái xoay. Ảnh: L.V.N |
Anh Hiệp mất hút giữa tán lá, trên ngọn cây cao vút chỉ có vài tia nắng yếu ớt hắt xiên xuống mặt đất và từng tiếng dao chặt vào cành cây chắc nịch vang lên. Thi thoảng, từng cành xoay trĩu quả được anh Hiệp thả xuống. Chả mấy chốc xung quanh gốc cây đã chất đầy những cành xoay sai trĩu. Sau khoảng hơn nửa tiếng mải mê chặt xoay ở trên ngọn cây, anh Hiệp tụt xuống khi chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi. Chưa kịp nghỉ ngơi, anh hồ hởi: “Lúc nãy ở trên đó thấy bên kia có một cây xoay sai trái lắm, sai hơn cây này nhiều, mình hái xong cây đó là đầy bao thôi”, rồi để lại đống xoay đã chặt cho chúng tôi, anh tiếp tục công việc leo trèo.
Vừa nhanh tay hái những chùm xoay vào bao, anh Chương vừa chia sẻ: “Một cây xoay thường hái được khoảng 1-2 bao, mỗi bao 20-30 kg tùy loại, cây nào sai thì nhiều hơn, năm trước chúng tôi hái được cây xoay đến 10 bao. Xoay hái về thì gọi thương lái đến mua, dân làng thường hay bán xô (cả quả xanh lẫn quả chín, không chọn lọc-P.V) cho thương lái với giá 25-30 ngàn đồng/kg. Hai người đi một ngày có thể kiếm được 40 kg, bán cũng có tiền hơn đi làm thuê nhiều, vậy nên mới liều mạng mà đi hái xoay thế chứ. Như mình chỉ hái đến khi nào đầy bao hay đói bụng là về, còn xoay chưa hái hết thì để đấy, mai chở vợ con lên hái tiếp”.
…Từ những cánh rừng, quả xoay theo thương lái trên hành trình đi khắp mọi miền đất nước. Món quà quê dân dã của miền đất Tây Nguyên với vị chua chua, ngọt ngọt đã khiến bao người phải mê mẩn rồi đâm ra... ghiền. Nhưng ít ai biết được, để có được những quả xoay nhỏ nhắn kia, những người thợ rừng đã sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình.
Lê Văn Ngọc