Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và Công ty cổ phần Dịch vụ Lao động Xây dựng- Thủy lợi HyCo-Lasec (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa phối hợp với huyện Chư Prông (Gia Lai) tổ chức “Ngày việc làm” cho lao động ở 20 xã, thị trấn để các doanh nghiệp tìm kiếm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Lao động đang trao đổi đăng ký đi xuất khẩu lao động tại “Ngày việc làm”. Ảnh: Đinh Yến |
Nguyễn Sĩ Toản (SN 1980), thôn Kỳ Phong (xã Ia Piơr), tâm sự: Tôi học xong cấp III, ở nhà làm nghề nông rồi xây dựng gia đình. Cuộc sống vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn khó khăn. Lần này huyện tổ chức “Ngày việc làm”, là cơ hội để tôi tìm kiếm công việc phù hợp. Nghe xong tư vấn, giới thiệu việc làm ở Malaysia, Hàn Quốc, tôi thấy công việc đều phù hợp với trình độ, sức khỏe của mình.
Còn bà Nguyễn Thị Hoạch, thôn Phố Hiến (xã Ia Lâu) có 3 người con đã học hết cấp III. Con đầu học nghề điện tử nhưng không có việc làm nên đang ở nhà. Hai người còn lại học xong phổ thông cũng chỉ biết ở nhà làm nông. “Vì đường sá đi lại khó khăn, nhà chỉ có một chiếc xe máy nên tôi đi thay cho các con. Tôi đăng ký cho con đã học nghề thì đi Hàn Quốc, còn chưa học nghề đi Malaysia…”- bà Hoạch cho biết.
Ông Phạm Ngọc Minh- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Lao động Xây dựng-Thủy lợi HyCo-Lasec cho rằng: “Phải về tận vùng sâu, vùng xa tìm người nhưng đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Đây không phải lần đầu doanh nghiệp phối hợp với địa phương tuyển dụng lao động. Ở Gia Lai, doanh nghiệp này đã đưa được hơn 100 lao động đi làm việc có thời hạn tại Malaysia. Những lao động đó đang có việc làm ổn định, thu nhập từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng”. Sau buổi tư vấn giới thiệu việc làm, tôi thấy nhiều lao động đăng ký đi Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… Song theo tôi, lao động ở Chư Prông xét về mọi mặt thì nên đi Malaysia, Đài Loan và một số nước Trung Đông. Bởi các thị trường này “dễ tính” hơn-ông nói.
Ông Lê Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, cho rằng: Hiện nay, người lao động đều có tâm lý chọn thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tuy nhiên, những thị trường này chi phí để đi xuất khẩu lao động cũng cao, điều kiện cũng rất khắt khe. Năm 2009, tỉnh ta đưa được hơn 900 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài thì chỉ có một lao động duy nhất ở xã Ia Piơr được phía Hàn Quốc lựa chọn. Bởi vậy, “Ngày việc làm” này, chúng tôi vẫn tư vấn cho người lao động nhiều nước có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam để mọi người lựa chọn. Thị trường Malaysia là thị trường rất phù hợp cho lao động ở tỉnh ta. Lao động làm việc ở thị trường này còn được tỉnh ưu đãi với nhiều chính sách như cho vay vốn, hỗ trợ làm thủ tục nhập cảnh, miễn phí học giáo dục định hướng...
Hàng trăm lượt người lao động tham gia buổi tư vấn và có 35 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động đợt này. Tuy số lượng ít nhưng ở một huyện biên giới như Chư Prông như thế là đạt hiệu quả. Điều quan trọng là việc tư vấn việc làm ở Chư Prông đã thu hút nhiều lao động quan tâm. Đây là tiền đề để năm 2010 chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều đợt “Ngày việc làm” ở những địa phương khác trong tỉnh. Năm 2010, kế hoạch tỉnh giao là Trung tâm phải đưa được 1.000 lao động đi xuất khẩu lao động- ông Hạnh nói.
Đinh Yến