(GLO)- L.T.S: Năm 2002, Đảng bộ TP. Pleiku ra Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP. Pleiku”. Với vai trò nòng cốt trong công tác này, lực lượng Công an đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm. Gia Lai online có cuộc trao đổi với Đại tá NGUYỄN VĂN LONG-Trưởng Công an TP. Pleiku về kết quả thực hiện nghị quyết nói trên.
- Đại tá đánh giá như thế nào về tình hình trật tự an toàn xã hội ở TP. Pleiku trong 10 năm trở lại đây?
Đại tá NGUYỄN VĂN Long: Những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn thành phố cũng diễn biến phức tạp. Từ năm 2002 đến nay đã xảy ra 3.375 vụ phạm pháp hình sự làm chết 93 người, bị thương 565 người, tổng tài sản thiệt hại gần 80 tỷ đồng. Trong tổng số vụ phạm pháp hình sự, nhiều nhất vẫn là trộm cắp tài sản (2.141 vụ), cố ý gây thương tích (396 vụ), cướp giật tài sản (369 vụ)… Các loại trọng án như giết người xảy ra 78 vụ, cướp tài sản là 135 vụ.
Về tệ nạn xã hội, nổi lên hoạt động mại dâm trá hình, xuất hiện một số đường dây gái gọi trong các nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, quán karaoke và các loại hình dịch vụ khác. Đã phát hiện 47 vụ chứa chấp, môi giới, mua bán dâm với 81 đối tượng. Tội phạm ma túy tăng nhanh, năm 2002 phát hiện 43 đối tượng, nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2012 đã có 124 đối tượng liên quan đến ma túy. Tình trạng thanh-thiếu niên, trong đó có cả học sinh, sinh viên có các hoạt động liên quan đến ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp gia tăng. Quy mô hoạt động của đối tượng tàng trữ, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy càng lớn, tinh vi và phức tạp. Ngoài ra, trong 10 năm, toàn địa bàn thành phố xảy ra 542 vụ tai nạn giao thông làm chết 525 người, bị thương 459 người, tài sản thiệt hại ước tính gần 3 tỷ đồng…
Công an xã Biển Hồ, TP. Pleiku tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Hữu Trường |
- Với vai trò tham mưu, lực lượng Công an thành phố đã đề xuất những biện pháp gì để góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự?
Đại tá NGUYỄN VĂN LONG: Ngay sau khi có Nghị quyết 05, công tác giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng-chống tội phạm được phối hợp triển khai thường xuyên, sâu rộng đến khu dân cư, các ngành, đoàn thể, trường học và các cơ quan đứng chân trên địa bàn. Ủy ban MTTQ TP. Pleiku tích cực triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku tham gia giáo dục, cảm hóa một số đối tượng liên quan đến FULRO, “Tin lành Đê-ga”, vượt biên, hòa giải thành công 352 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giúp đỡ 127 trường hợp vi phạm pháp luật hoàn lương. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền công tác phòng- chống tội phạm 500 buổi với trên 37 ngàn lượt hội viên tham gia. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP. Pleiku phối hợp tuyên truyền pháp luật cho hơn 45 ngàn lượt đoàn viên thanh niên, phát trên 20 ngàn tờ rơi thông báo tình hình tội phạm…
Với vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bên cạnh công tác tham mưu, lực lượng Công an phối hợp tổ chức phát động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, với gần 500 ngàn lượt người tham dự. Đưa 855 đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân và lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giáo dục tại cộng đồng. Kiểm điểm, răn đe trên 14 ngàn lượt đối tượng vi phạm pháp luật… Qua 16 đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, lực lượng Công an phối hợp triệt phá 65 nhóm tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, bóc gỡ 27 ổ mại dâm, cờ bạc, ma túy, vận động đầu thú 78 đối tượng truy nã… Đồng thời điều tra khám phá 1.037 vụ phạm pháp hình sự, giam giữ, khởi tố 1.028 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 3,5 tỷ đồng trả lại cho người bị hại…
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới là gì, thưa Đại tá?
Đại tá NGUYỄN VĂN LONG: Về mặt khách quan, do tác động của kinh tế-xã hội, dân cư ở các nơi khác tập trung về TP. Pleiku ngày càng đông, trong đó có số đối tượng xấu đến ẩn nấp, hoạt động, đặc biệt là các đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Điều này lý giải vì sao tội phạm về ma túy thời gian gần đây gia tăng đột biến…
Đồng thời, kéo theo đó là sự phát triển về phương tiện giao thông vượt quá sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông chưa bị xã hội lên án mạnh mẽ, do đó, tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo chung của mọi người, mọi nhà. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và các cơ quan doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thường xuyên, vai trò tham mưu của lực lượng bán chuyên trách ở cơ sở chưa kịp thời, yếu kém về khả năng tập hợp quần chúng nhân dân,…
Thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an sẽ tập trung các biện pháp đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời tiếp tục đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhân-hộ khẩu, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vật liệu nổ. Có thể khẳng định rằng, yếu tố cần thiết nhất là phải dựa vào nhân dân để đấu tranh với tội phạm. Do đó, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, điều tra và xử lý tội phạm nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
- Xin cảm ơn Đại tá!
Thúy Trinh (thực hiện)