(GLO)- Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn TP. Pleiku đã đạt kết quả đáng khích lệ, số người nhiễm HIV mới phát hiện đã giảm nhiều so với trước.
Từ đầu năm đến nay, TP. Pleiku phát hiện thêm 3 trường hợp người nhiễm HIV, nâng tổng số bệnh nhân HIV/AIDS lên 253 người, trong đó 57 người đã chết do AIDS. Người nhiễm HIV chủ yếu ở độ tuổi lao động từ 20 đến 49 tuổi chiếm đa số. Ngoài việc HIV/AIDS tập trung trong một số nhóm có hành vi nguy cơ cao, đến nay HIV đã lan ra ngoài cộng đồng ở các nhóm dân cư có nguy cơ như phụ nữ mang thai, trẻ em. Đáng chú ý, Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố hiện chỉ quản lý được 25 bệnh nhân HIV/AIDS, vẫn còn 175 bệnh nhân không được quản lý vì tự ý bỏ đi nơi khác hoặc không rõ địa chỉ, đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Cán bộ y tế TP. Pleiku cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: T.Đ |
Trước nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch HIV/AIDS, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Pleiku đã phối hợp với các cấp, các ngành nỗ lực triển khai các chương trình hành động phòng-chống HIV/AIDS thông qua rất nhiều các hoạt động như: lồng ghép các hoạt động truyền thông; thiết lập các mạng lưới can thiệp giảm tác hại.
Trung tâm Y tế thành phố chỉ đạo Ban Y tế Dự phòng, cán bộ y tế tại 23 xã-phường tổ chức tuyên truyền, can thiệp cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao: người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nhân viên các cơ sở mát xa; phối hợp với Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức phát bao cao su, tờ rơi tuyên truyền tại các khách sạn, nhà nghỉ; chương trình không phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, TTYT tiến hành giám sát hỗ trợ công tác phòng-chống HIV/AIDS ở 11 xã, phường trọng điểm. Triển khai lấy mẫu xét nghiệm loại trừ HIV được 926 mẫu; trong đó, phụ nữ có thai 314 mẫu, phụ nữ chuyển dạ 535 mẫu, bệnh nhân lao 33 mẫu, người nghiện chích ma túy 58 mẫu, gái mại dâm 2 mẫu…
Phối hợp với Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình thành phố lấy 30 mẫu xét nghiệm HIV nhóm đối tượng tiền hôn nhân. Thu thập số liệu và lấy mẫu xét nghiệm giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi nhóm đối tượng nam nghiện chích ma túy được 50 mẫu. Trong Tháng cao điểm chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, TTYT thành phố phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình và các xã, phường thường xuyên tuyên truyền trên sóng phát thanh.
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, song công tác phòng-chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp cận và quản lý người nhiễm còn hạn chế do người nhiễm HIV thường lo sợ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng nên ngại đến cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ điều trị mà chuyển đi nơi khác sinh sống, không rõ địa chỉ. Trong xã hội vẫn còn nhiều người có tâm lý nghi ngại, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV đã làm cho những người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu giếm bệnh tật làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho hoạt động phòng-chống HIV/AIDS giảm mạnh so với các năm trước đã làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động đang triển khai trên địa bàn. Hiện TP. Pleiku đang là địa phương có số người nhiễm HIV tích lũy cao nhất tỉnh. Vì vậy, để ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS trong thời gian tới, thành phố cần tập trung nâng cao năng lực cho hệ thống phòng-chống HIV/AIDS, bổ sung kinh phí từ nguồn địa phương để duy trì các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS ngay tại cộng đồng.
Trong đó, ngoài các đối tượng có hành vi nguy cơ cao cần đặc biệt quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương, người dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS chủ động tham gia vào các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS. Tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi tới người dân, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ cao để cộng đồng tham gia vào các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm HIV mới, không còn kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Trần Đức