Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chủ trương này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như quản lý nhân sự hiện nay.
Theo đề án, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp và chứng thực- Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), cho rằng do nhiều yếu tố lịch sử nên các thông tin về lý lịch tư pháp hiện đang lưu trữ phân tán tại nhiều cơ quan, tổ chức. Do đó, việc xây dựng một trung tâm quốc gia sẽ tốn nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn.
Cùng với việc thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (có hiệu lực từ 1-7-2010), người dân sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích. Trong đó, việc thu về một đầu mối quản lý thông tin sẽ giúp cho người dân đỡ phải mất công sức đi lại như trước đây. Các thủ tục cũng được rút gọn một nửa so với trước. “Đối với các trường hợp được xóa án tích, công dân phải đến tòa để được cấp giấy chứng nhận, nhưng việc ra đời Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ giúp xác nhận việc này và họ không phải đến tòa”, bà Lan nói.