Ngọn đồi Xu Mông với bạt ngàn cây xà nu (cây thông ba lá), nơi ông A Mét đi đi về về trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã trở thành nguyên mẫu cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc).
Nhưng mấy ai biết, làng kháng chiến và cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Mét trong đời thực có khác gì truyện.
Ông Đinh Rương và thanh gươm, kỷ vật của cụ A Mét. |
Khi chúng tôi hỏi đường về làng Xốp Dùi cũ của cụ A Mét, ông A Nghem, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum, bảo làng Xốp Dùi đã di cư hàng chục ki lô mét từ làng cũ về trung tâm xã mấy mươi năm nay. Làng cũ bây giờ không còn ai ở nữa. Muốn về phải qua ngọn đồi Xu Mông có rừng xà nu trùng điệp. Ngọn đồi này xưa là chỗ "ưỡn ngục" đỡ đạn pháo khi các đồn binh Pháp bắn vào làng, cũng là nơi đội quân của cụ A Mét trinh sát, canh gác mỗi ngày để đánh lính Pháp và sau này là Mỹ đi càn qua làng.
Tao là Đinh Môn đây!
Chuyện đánh giặc của cụ A Mét vô cùng ly kỳ. “Tui nghe nói cha tui đánh giặc tài lắm, nên nhiều lần hỏi ông A Rin (cùng chỉ huy trong đơn vị với cụ A Mét) và mấy già làng, ai cũng nói chuyện thiệt còn hay hơn chuyện kể. Đi đánh giặc, trải qua hai cuộc kháng chiến, ổng không bao giờ mặc áo, cầm súng mà chuyên đóng khố, khoác tấm dồ, dắt theo thanh gươm”, ông Đinh Rương (66 tuổi, con cụ A Mét, ở TT.Đak Glei, huyện Đak Glei) kể.
Đường về xã Xốp. |
Hồi đó, Pháp thưởng đến 500 con trâu cho ai giúp bắt được Đinh Môn (tên thật của cụ A Mét). Có điều, lính Pháp (kể cả lính Mỹ sau này cũng vậy) không ai biết mặt Đinh Môn ra sao. Có một lần, thấy một người Xê Đăng vào đồn lính Pháp nói sẽ đưa đi bắt "thằng Môn". Đến một con dốc, người Xê Đăng kia hú lên một tiếng rồi lăn xuống dốc, còn cả trung đội lính Pháp thì hứng trọn bẫy đá và mưa tên của quân Đinh Môn mai phục.
Một lần khác, lính Pháp thấy một sĩ quan người Việt phục vụ cho quân đội Pháp bước vào đồn nói: “Chúng mày biết mặt thằng Môn chưa mà đòi bắt? Tao vừa được báo nó ở bên kia, mau theo tao”. Thế là Pháp huy động quân đi ngay. Kết cục, lại rơi vào phục kích của quân Đinh Môn và viên sĩ quan kia chính là Đinh Môn cải trang. Lúc ấy ông hét lớn: “Tao là Đinh Môn đây!”, khiến đám lính Pháp khiếp đảm.
Có lần Đinh Môn bị sốt rét hành nên nằm vật vạ ven đường, lính Pháp đi càn tưởng người đã chết bèn bảo người dân mang đi chôn. Do quan niệm là ma xấu, dân làng đưa xác lên bỏ vào hang đá ở trên núi. Vài hôm sau hết sốt, Đinh Môn về làng, dân làng sợ, tưởng là ma thì ông cười lớn: “Tao Đinh Môn đây, không chết đâu, người thật đấy”.
Bằng truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân của cụ A Mét. |
Cụ A Mét. |
Truy quét, tìm diệt không được, lính Pháp rất sợ Đinh Môn, cho là "có bùa" nên đạn bắn không chết. Sợ nhất là ông cải trang nhiều lần nhưng chẳng lặp lại bao giờ, trong khi đó ông rất khỏe và bắn súng rất thiện xạ. "Sau năm 1975, một hôm ông mang theo súng AR15 dẫn tui vào rừng, đưa nòng súng hướng lên một cây cao 30 - 40 mét, bắn rớt con chim bằng một phát súng", ông Đinh Rương kể.
Còn nói về sức khỏe, ông Môn dù cao chỉ hơn 1,6 mét nhưng khỏe như một con trâu mộng. Khi thiếu thuốc nổ đánh xe cơ giới của Pháp, Đinh Môn cải trang xin lính Pháp đi làm dân vệ, xung phong đánh bộc phá làm đường. Viên sĩ quan Pháp thấy Đinh Môn nhỏ con, có ý chê, ông liền chỉ đám dân vệ cao to, nói: Tao vật ngã hết đám này. Viên sĩ quan Pháp bảo thử, Đinh Môn làm thật, tất cả nhóm dân vệ to cao đều bại dưới tay ông. Đinh Môn làm dân vệ một thời gian, kiếm được vô số thuốc nổ. Về sau, xe nhà binh Pháp bị cháy đều do bị dính mìn, bộc phá cài ven đường, nhưng đâu biết thuốc nổ này do chính mình vô tình cấp cho Đinh Môn.
Nhận ra con nhờ vết sẹo
Theo ông Đinh Rương, ngày còn nhỏ, một lần ông A Mét đang nướng bắp cho ông Rương ăn thì gặp “con chim sắt” (máy bay) của Pháp bay tạt qua nên bất cẩn để lửa táp vào đầu gối bên phải của ông Rương. Vết phỏng khá nặng nên để lại sẹo. Sau đó, năm 3 tuổi, ông Đinh Rương theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Đến năm 1959, ông A Mét cùng anh hùng Núp được gặp Bác Hồ và xin Bác cho về Nam chiến đấu. Ông A Mét gửi Đinh Rương ở lại học tại Trường nội trú thiếu nhi dân tộc ở thủ đô Hà Nội.
Làng Xốp Dùi ở trung tâm xã Xốp ngày nay. |
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Đinh Rương vội đi tìm cha. Trong bộ quân phục quân giải phóng, Đinh Rương đến tìm cha tại Huyện ủy Đăk Glei khi ông đang họp với lãnh đạo huyện và tỉnh Kon Tum. Nghe thông báo có con trai tìm gặp, ông A Mét bảo với bộ đội bảo vệ: Nếu là thằng Rương thì đầu gối bên phải có vết thương đã lành.
Khi ông Đinh Rương ngồi chờ ở phòng bảo vệ, anh bộ đội vờ như thân mật, khéo léo tìm cách kiểm tra đầu gối ông Rương, thấy đúng như ông A Mét nói. Khi đó ông A Mét cũng vừa rời cuộc họp ra. Gần 20 năm mới gặp lại, hai cha con nhìn nhau rưng rưng rồi dắt nhau đi bộ dọc vỉa hè của TX.Kon Tum để hàn huyên. Ông Đinh Rương kể và chỉ cho tôi xem vết thương ngày nướng bắp ấy. "Nhờ vết thương này, hai cha con mới nhận ngay ra nhau. Bởi biền biệt xa cách gần 20 năm, tui khi ấy còn nhỏ, không thể nào nhớ gương mặt cha được mà cha cũng khó nhận ra tôi vì thay đổi quá nhiều", ông Rương nói.
Kỷ vật cuối cùng
Chiều Tây nguyên nhạt nắng, hoàng hôn gieo vàng ắp những ngọn đồi. Hôm ấy, ông Đinh Rương đưa tôi lên căn gác nhỏ, nơi thờ cúng cha mình. Ông vào phòng trong cầm ra một thanh gươm dài hơn 0,5 m. "Tục đồng bào Xê Đăng là chôn của theo người chết. Thanh gươm này thì không, bởi khi còn sống, cha dặn tui phải giữ thanh gươm này. Nó là vật tùy thân theo ông qua hai cuộc kháng chiến", ông Rương bùi ngùi.
Truy tặng danh hiệu anh hùng Trải qua hai cuộc kháng chiến, cụ A Mét (Đinh Môn) được thưởng nhiều huân chương cao quý. Năm 2012, cụ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do có nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Cụ A Mét mất vì bệnh vào tháng 12-2000, thọ 87 tuổi. |
Sở dĩ ông A Mét bảo lưu giữ là vì, vào năm 1998, những kỷ vật cùng ông đi qua hai cuộc kháng chiến như chiếc dồ dài 12 m, bộ cung tên, chiếc gùi nhỏ và vài vật dụng khác đã bị lửa thiêu rụi theo trận hỏa hoạn ở xã Xốp. Sau vụ cháy ấy, ông A Mét rất buồn, 2 năm sau thì mất.
Hỏi về lai lịch thanh gươm, ông Đinh Rương không biết nó có từ bao giờ. Theo lời nhủ của ông A Mét, nó được rèn ở Quảng Nam, xưa to bản nhưng qua năm tháng, giờ chỉ còn bằng 2 ngón tay, sắc bén lạ thường. Đốc gươm được khảm bằng đồng, còn bao bằng gỗ cây rừng ghép lại. "Bảo tàng và một số đơn vị đặt vấn đề hỏi mua thanh gươm, nhưng gia đình không đồng ý. Bởi đó là kỷ vật cuối cùng của ông cụ", ông Đinh Rương nói.
Phạm Anh/thanhnien