(GLO)- Không chỉ bắt tay giúp làng sản xuất, các hoạt động khác của bà con dân làng cũng được hỗ trợ, quan tâm sâu sát, từ giữ gìn an ninh trật tự đến xây dựng khối đại đoàn kết, chống vượt biên,...
Chuyện làng Duk
Nắng giữa trưa, con đường lầm bụi, tiếng ve ong ong cùng với khói đốt rẫy mờ mịt làm cho đường vào xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) càng thêm oi bức. Các anh lãnh đạo xã nhất trí với đề nghị vào thăm làng Duk trước khi làm việc tại xã. Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu Nông Văn Hoàng và Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Văn Tài cùng tôi, 2 xe máy thẳng vào làng. Con đường bê tông bằng phẳng nên khoảng cách 5 km mà thấy thật gần. Tìm Trưởng thôn Nay Jet, già làng Rơ Mah Bang nhưng cả hai đều bận, người đám cưới, người đám ma. Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Siu H’Pheng đang có nhà. Cô bị đau chân vì ngã xe, đã đi lại được nhưng làm thì chưa. Trong ngôi nhà xây khá khang trang của H’Pheng, chuyện cũ, chuyện mới làng Duk lần lượt hiện ra.
Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu thăm dân làng Duk. Ảnh: Thất Sơn |
Vẫn người quen cảnh cũ nhưng làng Duk bây giờ khác xa cái thời của mười mấy năm về trước. Nhắc lại, vào các năm 2001-2004, làng Duk nổi lên nạn vượt biên. Lần đó, sau khi bị kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh, một số thanh niên trong làng đã tìm cách vượt biên sang Campuchia. Sung sướng đâu chẳng thấy chỉ thấy chui bờ, rúc bụi, đói khát, lạc đường, bệnh tật và có người đã phải mất mạng. Sau sự thật cay đắng và đau lòng đó, cùng với sự tuyên truyền của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người làng dần dần hiểu ra, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không còn tơ tưởng viển vông. Đời sống dần chuyển biến, chuyện sai trái ngày nào cũng đi vào lãng quên. Nhưng những kẻ vượt biên ra nước ngoài, luận điệu của kẻ xấu chưa hết đánh vào điểm yếu của những người dễ bị dao động, mơ hồ.
Quần tụ trong một diện tích chừng vài trăm ha, làng Duk hiện có 116 hộ, 625 nhân khẩu người Jrai, chỉ vài hộ người Kinh. 60% hộ dân trong làng thuộc diện nghèo (làng Tu và làng Duk tổng cộng có 136 hộ nghèo). Trong làng có một nhóm nhỏ theo Tin lành miền Nam Việt Nam. Đáng mừng là trước, trong và sau Tết Nguyên đán vừa rồi, làng không có người vượt biên. Duy có điều, lúc này còn là những tháng “nghỉ ngơi” nên một số người theo phong tục, hình thành nhóm nhỏ 3-4 người đi săn bắt, hái lượm trong rừng. Bắt được con thỏ hay con kỳ đà chẳng nhiều nhặn gì, bán xong chia cho nhiều người, mỗi người chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng lặn lội vất vả 2-3 ngày. Hoài công chẳng kể nhưng gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự. Trước đây lúc cao điểm, làng có 13 đối tượng vượt biên. Sau thời gian cải tạo trở về, đa số làm ăn lương thiện, nhưng cũng có kẻ tái phạm. Tuy nhiên tình hình hiện nay nói chung là ổn.
Vững chắc vùng biên
Một góc làng Duk. Ảnh: Thất Sơn |
Lạc hậu, đi sau, bởi vậy nên các ngành, các cấp dành nhiều sự quan tâm hơn đến làng Duk, làng Tu. Điện, đường, trường, trạm,… tất cả đều được đầu tư xây dựng khang trang, phát huy tác dụng. Nếu như ngày xưa đường vào làng lầy lội, cỏ mọc um tùm ngại bước chân người thì giờ đây là con đường bê tông bằng phẳng, chạy dài đến cuối làng. Các chính sách hỗ trợ sản xuất đến nâng cao đời sống cũng được triển khai thực hiện. Mới đây, ngành chức năng vào đến tận làng để cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho bà con.
Làm thế nào để người làng Tu, làng Duk bớt khổ, vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, lúc này bà con đang tập trung thu hoạch mì (đã thu hoạch được khoảng 70 ha) và chuẩn bị làm đất vụ mùa. Năm 2014, thủy lợi Plei Pai 450 ha mặt nước mới đưa nước về đến làng Duk, mở ra cơ hội sản xuất vụ Đông Xuân góp phần xóa đói giáp hạt cho làng. Nhưng người làng vốn quen làm lúa rẫy, làm Đông Xuân là cả một vấn đề. Vậy là các ngành, các cấp phải vào cuộc vận động, hướng dẫn, làm mẫu để sau đó bà con làm theo. 6 thôn kết nghĩa với làng Duk hướng dẫn bà con bằng những việc làm cụ thể từ xây dựng đồng ruộng, hội thảo đầu bờ, chăm sóc, bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu. Trước thì tổ chức ngoài xã nhưng sau trong làng, để bà con tiện theo dõi, học tập vận dụng. Tôi hiểu được thử thách vất vả này khi chứng kiến những thửa ruộng Đông Xuân làng Duk thiếu phân, thiếu nước. Làng không thiếu đất, nước cũng đã có rồi. Nhưng bà con thiếu kiến thức làm ăn, chậm thay đổi tập quán lạc hậu, ít vốn liếng. Chuyện làm Đông Xuân chắc còn phải cố gắng nhiều nhiều.
Trẻ em nô đùa trên dòng nước mát plei Bai. Ảnh: Thất Sơn |
Không chỉ bắt tay giúp làng sản xuất, các hoạt động khác của bà con dân làng cũng được hỗ trợ, quan tâm sâu sát, từ giữ gìn an ninh trật tự đến xây dựng khối đại đoàn kết, chống vượt biên,... Ví như dịp trước Tết Nguyên đán vừa rồi, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh cho dân các làng đón Tết, chính quyền vận động người dân đóng góp thêm kinh phí, 2 con heo để liên hoan chung vui, đoàn kết. Đảng ủy xã lại có Nghị quyết 12 cử cán bộ xuống nằm ở các làng, hộ gia đình để gần dân, lắng nghe phản ánh của dân, từ đó giúp Đảng ủy nắm bắt tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc, vướng mắc.
Nỗ lực xây dựng lòng tin đã đem lại những kết quả tích cực trên nhiều mặt, trong đó có công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng biên. Bí thư Đảng ủy xã Nông Văn Hoàng cho biết: Xã nằm trong hành lang đi lại của những đường dây vượt biên nối liền giữa núi Chư Đôn (thuộc xã Ia Lâu) với Chư Tor (xã Ia Piơr) trước khi tìm cách sang đất Campuchia, nên luôn phải chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Từ trước Tết Nguyên đán, xã, huyện đã tiến hành 3 đợt phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua đó, nhân dân cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo xã 47 tin có chất lượng liên quan đến hoạt động của kẻ xấu, giúp chính quyền, ngành chức năng phát hiện 22 vụ với 149 đối tượng rắp tâm vượt biên, đưa về xã lập biên bản, xác minh, bàn giao cho chính quyền các địa phương và ngành chức năng xử lý. Trong số này, Ia Lâu không có ai, mà chủ yếu là người từ các địa phương khác tới.
Không chỉ có tiến công mạnh mẽ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, không một phút lơ là, ngơi nghỉ, Ia Lâu rõ ràng đang là phên giậu biên cương hiệu quả của Tổ quốc.
Thất Sơn