Thăm thành phố cổ Malacca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi Malaysia mà chưa đến Malacca thì xem như bạn chưa biết gì về vương quốc này. Đó là câu nói cửa miệng của nhiều du khách khi tham quan bán đảo Mã lai, từ Malaysia sang quốc đảo Singapore. Mà đúng thật, thành phố cổ kính này luôn làm nao lòng những ai có dịp đến thăm…

Sau hơn hai giờ đi bằng xe ô tô khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur chạy trên con đường cao tốc giữa rừng cọ bạt ngàn bạn sẽ đến Malacca. Đây là thành phố cổ kính nhất vương quốc đạo Hồi này với tuổi đời hơn 600 năm (năm 2008 Malacca đã được tổ chức Unesco công nhận là di sản thế giới). Được thành lập vào năm 1404, nơi đây từng là cố đô của vương triều Malacca (1405-1511) và cảng biển Malacca từng là nơi tụ họp mua bán sầm uất nhất của thương nhân đến từ các quốc gia trong khu vực bấy giờ. Đã hơn 6 thế kỷ qua, thành phố cổ xưa này còn mang đậm dấu ấn kiến trúc của các nền văn hóa Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh cùng tồn tại, đan xen… trong lịch sử hình thành và phát triển.

 

Đường phố Malacca. Ảnh: Nguyên Anh
Đường phố Malacca. Ảnh: Nguyên Anh

Cuối thế kỷ XIV, sau cuộc chiến tranh giữa hai vương quốc Srivijaya ở đảo Sumatra và vương quốc Majapahit ở đảo Java trên Thái Bình dương, triều đình Srivijaya dần suy yếu, một hoàng tử đã vượt eo biển sang lánh nạn ở bán đảo Mã Lai, sau đó ông cho lập thành phố Malacca ở đây. Rồi được sự ủng hộ của nhà Minh bấy giờ, vương quốc Malacca có vị thế cân bằng với hai vương quốc láng giềng là Ayutthaya phía bắc và Majapahit phía đông nam. Người Hoa nhanh chóng đến định cư ở đây và cộng đồng người Hoa là nét đặc trưng của Malacca, đưa người Hoa trở thành một phần lịch sử vương quốc Malaysia sau này. Tháng 8 năm 1511, quân Bồ Đào Nha tấn công, vương quốc Malcaca sụp đổ và sau đó trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Năm 1641 là thuộc địa của Hà Lan. Năm 1824 thuộc địa Anh và đến tháng 8-1957 vương quốc Malaysia chính thức giành độc lập và năm 1963 thành lập liên bang.

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà dòng sông Malacca chia thành phố thành hai nửa Đông-Tây. Phía đông là khu phố cổ mang dáng dấp kiến trúc Tây. Điểm nhấn của thành phố là khu Jonker Walk và quảng trường Hà Lan với màu đỏ bã trầu hiện diện trên tất cả các công trình kiến trúc. Chuyện kể rằng, viên quan cai trị Bồ Đào nha bấy giờ thấy người dân Malacca có tập quán ăn trầu, sau khi nhai xong thường nhả bã lên đường phố và quệt nước cốt trầu lên các bờ tường nên ông ta cho quét lớp sơn trùng màu bã trầu để bảo vệ màu sắc các công trình kiến trúc. Rồi đến người Hà Lan, người Anh cũng vẫn giữ nguyên màu đỏ này, kể cả các công trình xây dựng sau đó.

 

Đã qua nhiều thế kỷ vậy mà giờ đây đi trên các con phố nhìn những công trình kiến trúc như nhà thờ, quảng trường, các tòa lâu đài, biệt thự… du khách đều thấy một màu bã trầu đỏ tươi. Trung tâm của khu này là quảng trường Hà Lan với những con đường lát gạch đỏ rợp bóng cây, nhà thờ St Pauls và pháo đài Bồ Đào nha. Pháo đài đã gần như hoang phế, chỉ còn lại lối bậc tam cấp lên bức tường thành gạch đỏ loang lổ in hằn dấu thời gian và mấy cỗ đại pháo nằm im lìm chĩa nòng ra hướng bờ sông.

Bên phía tây là khu Chinatown mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa. Đi giữa những con phố sâu hun hút, yên tĩnh, làm chúng ta liên tưởng như đang đi trên phố cổ Hội An, Quảng Nam. Cũng những ngôi nhà gác gỗ một tầng nho nhỏ, kín đáo, nằm sát nhau trên con phố nhỏ, mái ngói rêu phong. Phía trước các ngôi nhà trưng bày những tượng đá hình lân, sư tử, kỳ hươu… đen bóng. Nơi đây cũng lưu giữ những công trình kiến trúc truyền thống của người Hoa như đền thờ bà Thiên Hậu, đền thờ Chen Hong… Như nhiều nơi khác ở các nước Á đông, người dân phố tây Malacca thường tận dụng chỗ ở làm nơi bán hàng, có khác là chỉ đến 15-16 giờ các hàng quán đã đóng kín cửa. Du khách có thể mua các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ trang sức, đồng hồ… hoặc thưởng thức các món ăn truyền thống của người Hoa như há cảo, bánh củ cải, xíu mại...

 

Sông Malacca. Ảnh: Nguyên Anh
Sông Malacca. Ảnh: Nguyên Anh

Đi trên những chiếc xe xích lô ba bánh Trishaw trang trí như một giàn hoa di động với giá chừng 20 ringghit (tương đương 140 ngàn VND) trong 30 phút bạn thỏa sức ngắm cảnh đẹp phố cổ đỏ thắm trong buổi chiều muộn, dạo trên những hè phố lát đá đã mòn nhẵn thời gian. Bạn cũng có thể ngồi trên chiếc du thuyền nhỏ xuôi nhẹ trên dòng sông ngắm cảnh Malacca hai bờ phố xá lô nhô trong đêm với hàng ngàn ngọn đèn huyền ảo hắt ánh sáng xuống làn nước lung linh. Bất chợt có thể bạn sẽ tự hỏi chẳng biết đâu rồi những người đã từng xuôi trên dòng sông này, tản bộ trên những con phố này mấy trăm năm trước…
 

*
Ngoại ô Malacca có một nghĩa địa đã 600 năm của những người Hoa đầu tiên đến đây lập nghiệp. Tất cả đều hoang phế, chỉ còn những tấm mộ chí nghiêng ngả, rêu phong trên mộ phần. Chính quyền thành phố xem đây như một dấu tích lịch sử nên vẫn bảo quản, cho xây những con đường chạy giữa các hàng mộ để người dân có thể tản bộ. Phía bên kia đường là nghĩa địa của những người theo đạo Hồi, phần mộ không nấm, chỉ đánh dấu bằng những cây thánh giá xung quanh.

Đến Malacca du khách cứ như miên du trong một cõi cổ xưa…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.