Hiện nay, tham nhũng được xem như là một quốc nạn. Nó lan tràn, phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành trong khu vực dịch vụ công. Đã có hiện tượng người dân phải trả thêm những khoản ngoài phí quy định để nhận được những dịch vụ đáng ra mình được phục vụ.
Được biết, nạn tham nhũng ở nước ta mỗi năm làm thất thoát 1-2% tốc độ tăng GDP, trong khi cả nước phải nỗ lực vất vả mới tạo ra được con số tăng trưởng đó. Ông Rolf Bergman- Đại sứ Thụy Sỹ cho biết, chỉ số công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2009, Việt Nam được 2,77 điểm, đứng thứ hạng không cao trong số 180 nước so sánh.
Tham nhũng trong giáo dục là một trong những vấn đề lớn mà dư luận rất quan tâm hiện nay. Người ta khoác cho nó một cái tên đó là “tham nhũng vặt”. Từ lâu, vấn nạn này đã được đề cập, thế nhưng dường như Đảng và Nhà nước vẫn chưa tìm ra giải pháp để giải quyết triệt để. Mặc dù, trong mấy năm qua, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế như cấm dạy thêm, học thêm, thực hiện chặt chẽ hơn các khoản thu, đầu tư xây dựng…, nhưng tình trạng “tham nhũng vặt” không hề giảm, trái lại nó còn phát triển mạnh hơn. Bộ cũng chỉ thừa nhận “công tác phòng- chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục còn một số hạn chế, tồn tại trong dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp, tuyển dụng, luân chuyển giáo viên, thực hiện các khoản thu, mua bằng, bán điểm, mua bán chứng chỉ...”.
Chăm chỉ. Ảnh: Đức Thụy |
Một số giáo viên lợi dụng trách nhiệm được giao mua bán điểm đã đánh mất tư cách trước học sinh và phụ huynh: Nhận tiền để photo bài giải thi hết môn, yêu cầu học sinh nộp tiền chạy điểm, yêu cầu sinh viên nộp tiền khi hướng dẫn làm đồ án... Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, hầu hết các gói thiết bị giáo dục chủ đầu tư không lập kế hoạch kinh phí thực hiện hoặc lập không sát thực tế nên xảy ra thừa, thiếu, không đồng bộ gây lãng phí, thậm chí sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí đầu tư… Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam- Peter Lysholt Hansen cho rằng: “Giáo viên nhận hối lộ là do lương của họ quá thấp, không đáp ứng được chi tiêu”. Đồng thời, cũng do phần lớn phụ huynh sẵn sàng chi trả những khoản ngoài quy định để cho con có được điều kiện học tốt hơn. Theo Đại sứ, để giáo viên có một mức lương ổn định, bảo đảm cuộc sống là cách phòng-chống tham nhũng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới nhiệm vụ này. Người chỉ rõ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu, là một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm, “là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”, nó làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức của con người. Bác dặn: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi”. Bác Hồ cũng đã có nhiều bài nói, bài viết đề cập trực tiếp tới nhiệm vụ đấu tranh phòng-chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Người thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Làm theo lời Bác, ngày nay chúng ta càng đẩy mạnh công việc chống tham nhũng. Đảng, Quốc hội ta, cùng toàn dân coi tham nhũng là một quốc nạn. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói rằng: “Đây (việc chống tham nhũng) là vấn đề bức xúc nhất của xã hội, đang làm cản trở việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân, là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta như Đại hội (IX) đã nhận định”.
Thiết nghĩ, tham nhũng nói chung và tham nhũng trong giáo dục nói riêng làm mất niềm tin vào cuộc sống của tầng lớp trẻ. Đây chính là điều mà giáo dục không đạt được mục tiêu đào tạo nên những con người trung thực, tài năng, thậm chí làm hỏng cả thế hệ. Vì vậy, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi phải có các hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Nếu không, chất lượng dạy và học sẽ tiếp tục bị xói mòn, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân.
Trung Nhân