(GLO)- Chiều 20 tháng Chạp, phố ven đô dọc con đường Nguyễn Văn Cừ chạy về ngả ba Trần Nhật Duật và những con hẻm nhánh xương cá khu vực chợ hoa Xuân Ất Mùi như bừng lên sắc màu Tết. Phía trước những ngôi nhà vốn tuyềnh toàng lô nhô không theo quy hoạch xây dựng chung, xỉn màu sơn lập tức nhường chổ cho những gian hàng hoa các loại, khoe thắm sắc màu; gian hàng đồ gỗ, đá mỹ nghệ; phòng tranh thư pháp…
Khu phố ngày thường hiu buồn đắm mình trong nắng bụi, mưa dầm mặc tình với người xe qua lại nối phố phường đô hội với huyện lỵ Ia Grai, Đức Cơ trở nên bừng thức nhộn nhịp khác thường. Chủ nhân các ngôi nhà đã nhanh chóng nhập cuộc kinh tế thị trường hoặc cho thuê, hoặc tự đứng ra kinh doanh kiếm món tiền dịp tết. Bà An, chủ nhân ngôi nhà số 100-102 Nguyễn Văn Cừ, mặt tươi tỉnh buôn chuyện: “Tôi cho chủ doanh nghiệp hoa lan Nhật Nam xuất xứ Đà Lạt thuê trong 10 ngày cuối Chạp với giá hữu nghị nhằm lấy vui là chính. Thường ngày cả hai gian này vẫn chỉ để vợ chồng già chúng tôi và gia đình vợ chồng đứa con trai làm nhà nước ở chứ có buôn bán kinh doanh gì. Giờ thì bát ngát, kín cả mặt tiền những lan Hồ Điệp, lan Vũ Nữ đẹp và thơm đến thế còn gì! Kiểu gì nhân đây con trai tôi cũng mua hẳn một chậu Hồ Điệp có nhiều cây, trị giá vài triệu chưng trong ngày tết tháng Xuân”.
Một góc gian hàng Tết trên đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Đ.P |
Ghé vào gian bày bán đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Hải Định (58 Nguyễn Văn Cừ, cơ sở chính 267 Lê Duẩn) thấy bày bán rất nhiều, đủ kích cỡ những đồ thờ bộ tam, bộ ngũ; lục bình; hộp đựng bánh mức; lọ hoa; bộ ấm chén uống trà (dùng để chưng); tượng Quan Công oai dũng tay cầm Thanh Long đao; tượng Di Lặc cười viên mãn ở mọi góc nhìn…có giá bán từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu. Cậu thanh niên tên Thanh trông cửa hàng, vui vẻ cho biết: “Khách mua chỉ lai rai, đến xem thì nhiều. Thường thì cận ngày mới mua rộ, năm nào chả thế”.
Bước sang gian tranh thư pháp liền kề, ông đồ Vũ còn trẻ măng, quê ở thị trấn Chư Prông đang hoàn chỉnh bức ký họa chân dung hai bố con người khách qua đường bằng chất liệu chì, than trên nền giấy xuyến chỉ, kích thước (20x40 cm). Cầm bức vẽ, ông bố vừa ngắm, cười tươi hỏi mọi người xung quanh có giống không. Nhiều người gật đầu, lên tiếng xác tín. Nhanh nhảu và luyến thoắng, Vũ giới thiệu: “Tất cả các bức thư pháp đều được viết bằng chữ quốc ngữ, kiểu chữ Mộc Thể trên nền giấy xuyến chi, giấy can-xon; hoặc trên gỗ hay đá”.
Ngoài những chữ có tranh thủy mặc làm nền được viết sẵn, anh còn viết chữ, câu đối theo yêu cầu khách hàng với giá phải chăng theo tinh thần thưởng Tết, vui Xuân là chính. “Cái thú chơi thư pháp ngày nay như một thứ trang trí lịch lãm vừa thể hiện cái tâm, cái tình, nỗi lòng của gia chủ và cả để răn mình, khuyên con cháu. Người chơi không còn cả tin vào vào điều rủi may trong năm vận vào nét chữ của ông đồ, mà họ mong chữ, câu kia đánh động tâm thức, gửi gắm tâm hồn hay chia sẻ nỗi niềm riêng vì thế viết thư pháp cũng chỉ là “nghề chơi” chứ không lấy đó làm kế mưu sinh!”- anh trở nên già dặn nhận xét, tỏ bày.
Tản bộ men theo đường Nguyễn Văn Cừ, ta dễ vướng chân bỡi những chậu vạn thọ, cúc, xuyến chi… lung linh sắc màu lô nhô cao thấp. Người bán hoa có thể là bác xe ôm thường nhật giờ năng động trở thành tiểu thương. Có khi là chủ nhân ngôi nhà gần chợ hoa thử tài mua bán và cả thử vận may ngày giáp tết. Họ chỉ dám bày bán các loài hoa dung dị, có giá tiền không cao hút khách bình dân chưng khuôn viên nhà cho thắm sắc hay đem đặt nơi mộ chí người thân lần viếng mộ cuối năm…
Dưới tán mấy cây thông già hơn nửa thế kỉ còn sót lại bên ngoài khuôn viên chợ hoa xuất hiện mấy xe nước giải khát, xe phở và cả những người bán mai cành. Trông nét lam lũ, lời mời chào kém tự tin cũng đủ đón ra họ mang “cây nhà, lá vườn” từ quê xa hay cắt được tự rừng lên phố thị góp xuân. Nhâm nhi li cà phê chiều muộn bên đường hóng gió chiều se lạnh cùng mấy người bạn vong niên nhà ở phố ven đô nghe Tết sớm đang ùa về…
Đình Phê