(GLO)- “Nam mô A Di Đà Phật”… “Nam mô A Di Đà Phật”… là một câu trong chuỗi liên khúc của anh Phi và anh Mệnh đang nắm tay nhau vừa đi xung quanh căn phòng vừa hát. Những anh em khác mỗi người một góc, mỗi người một gương mặt nhưng đều có chung một ánh mắt vô hồn. Đó là hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp được tại nhà vợ chồng anh chị Hà Tư Phước và Huỳnh Thị Hạc (thôn Ia Rôk, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) trong một buổi chiều giáp Tết…
Chúng tôi đến đây giữa cái nắng hanh hao đặc trưng của Tây Nguyên. Lúc ấy, chị Hạc và mẹ chồng hơn 80 tuổi của mình đang ngồi muối hai xô thịt để dành cho anh em ăn dần trong những ngày Tết sắp tới. Xung quanh hai mẹ con là những bịch mướp, bịch cà pháo, đậu cô ve, một hũ dưa kiệu muối… cũng là những thực phẩm được chuẩn bị sẵn sàng cho gần 40 con người mắc bệnh tâm thần đang được gia đình nhận nuôi trong nhà…
Chị Hạc cùng mẹ chồng đang muối thịt cho ngày Tết. Ảnh: Văn Ngọc |
Bước xuống khu nhà chung, chúng tôi cảm nhận rõ rệt cuộc sống của những con người mang trong mình chứng bệnh khó chữa này. Trong khi ngoài kia, người người, nhà nhà đang tất bật, rộn ràng chuẩn bị đón Tết thì ở đây, Tết-dường như vẫn còn là một “mĩ từ” xa lạ… Họ vẫn lang thang, vẫn đăm chiêu, vẫn cuộn mình vào một góc, một số khác thì nhìn mông lung rồi bật cười một mình, có người lại hát mãi không thôi. Khi thấy chúng tôi đến, một anh mon men lại gần hỏi… xin điếu thuốc, người khác lại hỏi “có đem gì đến không?”, những người còn lại chăm chú nhìn với ánh mắt dò xét…
Người được xem là “tỉnh táo” nhất và cũng là người có ý thức rõ nhất về cái Tết trong gần 40 người tâm thần ở đây có lẽ là anh Võ Tấn Duy (phường Hội Thương). Khi chúng tôi đến, anh Duy đang tỉ mẩn cắt tóc cho mọi người. Nhìn tấm vải được quấn cẩn thận để tránh cho tóc không rơi vào người, cách anh Duy nhấp từng nhát kéo là đủ biết “tay nghề” của anh như thế nào. “Ở đây thoải mái hơn, về nhà mình không làm được gì, người ta nói nhiều mình không thích. Tết nếu bạn bè đến gặp thì mình vẫn gặp thôi”, anh Duy tâm sự bằng giọng nói cà lăm của mình.
Người biết thì nói vậy, còn với anh Phạm Trọng Hưng (xã Ia Tô, huyện Ia Grai), niềm vui khi được mẹ cùng em trai của mình đến đón về ăn Tết chỉ đơn giản là niềm vui được gặp lại người thân. Khi được chị Hạc hỏi có muốn về không, anh Hưng nhanh chóng nói “Về! Về!”, chị Hạc lại hỏi về làm gì, anh hấp tấp trả lời: “Về chơi!” rồi cuống cuồng tìm cách gỡ cái xích trong tay mình… Nhìn ánh mắt hân hoan, điệu bộ hăm hở chào mọi người ra về của anh Hưng, trong chúng tôi chực trào lên một cảm xúc khó tả.
Anh Duy đang tỉ mẫn cắt tóc cho bạn. Ảnh: Văn Ngọc |
Khi được hỏi về những cái Tết trước, chị Hạc ngậm ngùi: “Chỉ có năm nay là còn có chút đỉnh cho anh em ăn Tết do người này người kia cho mỗi thứ một chút, chứ mọi năm cũng thiếu thốn lắm. Năm ngoái, tôi phải đi bẻ từng bẹ cây bắp sú già về muối cho anh em ăn…”.
Với ánh nhìn con trẻ, những câu nói ngô nghê, những con người mắc bệnh tâm thần ở đây liệu có cảm nhận được một mùa xuân nữa lại đang về, lại một cái Tết nữa lại đến. Họ có còn nhớ cảm giác ấm cúng, quây quần cùng với gia đình mình trong đêm giao thừa? Họ có còn nhớ đến những lời chúc tụng tốt lành mà mọi người vẫn dành cho nhau vào dịp đặc biệt này?
Chuyện gia đình anh Phước, chị Hạc nhận người bị tâm thần về nuôi đã không còn là chuyện lạ nữa. Những lời bàn ra tán vào cũng chẳng còn, thay vào đó là những sự giúp đỡ, cộng góp từ các đoàn thể xã hội, từ các cá nhân có tấm lòng để gia đình có thể chăm sóc cho những người bệnh được chu đáo và vẹn toàn hơn. Nhìn thấy sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận của chị Hạc cho những ngày tới, chúng tôi biết được rằng gần 40 con người ấy, năm nay sẽ đón một cái Tết ấm no, đủ đầy cho dù họ có cảm nhận được hay không…
Phương Linh-Văn Ngọc