(GLO)- Tết ở căn cứ thiếu thốn nhiều thứ, nhưng có những thứ không thể thiếu được, đó chính là trà. Trà pha bằng ấm chén là chuyện bình thường. Còn trà pha theo kiểu... úp đít thì nghe ra là lạ, nhưng lại có thật trong đời sống hàng ngày nói chung và Tết ở rừng của chúng tôi nói riêng. Và hoa, hoa cũng là thức không thể thiếu vắng trong những ngày Tết. Để có những cành hoa chưng Tết, chúng tôi vào rừng kiếm tìm những loại hoa tươi sẵn, đồng thời cũng tự “sản xuất” từ những vật liệu sẵn có.
Huyện Kbang hôm nay. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
1.Trước hết, nói về trà. Còn nhớ, mỗi khi Tết đến xuân về, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị đều bố trí, sắp xếp công việc hợp lý để có thể đảm bảo đủ lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đại bộ phận khác tập trung vui đón Tết, tùy theo điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Trong dịp gặp gỡ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, với chúng tôi cũng không thể thiếu trà. Để có được những chén trà cho ba ngày Tết cũng là điều khó khăn không nhỏ. Thường là trước Tết cả tháng, như ở chỗ chúng tôi, các cơ quan quân dân chính Đảng K8 (An Khê), lãnh đạo đã phân công một bộ phận nhỏ về hậu cứ để mua, đổi thực phẩm trong vùng bà con dân tộc thiểu số, một bộ phận khác xuống đồng bằng (vùng giải phóng tỉnh Bình Định) và nhờ cơ sở cách mạng trong nội thị An Khê mua sắm những thứ thật cần thiết để chuẩn bị Tết, trong đó, không thể thiếu trà. Khi đã có trà, dụng cụ để pha chế được những chén trà có chất lượng cũng là việc nan giải. Trong cái khó, một sáng kiến được đưa ra. Đó là cách pha trà bằng bi đông-loại bi đông inox có khấc viền ở giữa của quân đội Mỹ sử dụng đựng nước uống khi hành quân và ca-loại ca “đồng bộ” với chiếc bi đông, cũng là chất liệu inox.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Trà được cho vào ca inox sao cho vừa đủ độ với một lít nước là dung tích của bi đông, tráng qua nước sôi và cho nước sôi vào đầy bi đông rồi... úp đít bình đông xuống ca; có nghĩa là úp phần phía miệng của bi đông vào ca, phía đáy của bi đông chổng ngược lên. Cái tên gọi “trà úp đít” có từ đó. Và kinh nghiệm này dần dà lan truyền khắp vùng, khắp các cơ quan, đơn vị trong hậu cứ cũng như trên các chiến trường thời bấy giờ. Nó không chỉ được áp dụng khi Tết đến mà trở thành “công thức” pha trà thường ngày khi có điều kiện. Loại nước trà có được từ cách pha chế đặc biệt này theo các “nhà” nghiện trà thì không thua kém gì trà pha từ các dụng cụ bình tách đắt tiền, có tính “chuyên nghiệp” dành cho ẩm thực-văn hóa trà. Trong đêm Giao thừa, giữa rừng sâu núi thẳm, quanh đống lửa than hồng đủ xua bớt cái lạnh, bên chén trà, những cán bộ, chiến sĩ tụm lại cùng nhau, trong bao câu chuyện nhà, chuyện nước, với hương thơm đặc trưng của trà cùng với những thức nhấm đơn sơ như vài thứ bánh ngọt, đôi miếng mứt gừng, mứt dừa. Chỉ thế thôi mà có một Giao thừa đầy ắp tính chất cổ truyền của dân tộc tự ngàn xưa để lại...
2.Hoa để chưng trong ngày Tết cũng là “vấn đề” đáng quan tâm. Những ngày chuẩn bị về vật chất cho bữa cơm gặp mặt toàn thể cơ quan, đơn vị chiều cuối năm cũng đồng thời với đó là việc chuẩn bị hoa chưng lên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ các anh hùng liệt sĩ và những nơi trang trọng khác. Vậy là, chúng tôi băng rừng, lội suối tìm kiếm những cành mai rừng ưng ý nhất và tất nhiên không bao giờ chặt hạ cả cây, mà chỉ chọn những cành đẹp mà chặt, còn để dành, tính chuyện cho Tết sau. Nhưng chỉ hoa rừng thì chưa đủ và thiếu tính phong phú, đa dạng. Khắc phục điều đó, chúng tôi dùng các vật liệu sẵn có để làm thêm hoa nhựa, hoa giấy, hoa vải. Có được chút khéo tay, người viết bài này rất say mê với “nhiệm vụ đặc biệt” ấy. Chỉ cần giấy bóng nhựa các màu xanh đỏ, vàng tím và giấy từ sách báo cũ, từ vỏ hộp thuốc đỏ, thuốc tím của các y-bác sĩ trong đơn vị, vải thô, mực màu các loại hay những cành cây nhỏ... là chúng tôi đã có thể làm ra những bông hoa theo trí tưởng tượng của mình. Nào hồng, cúc, thược dược, đặc biệt là vạn thọ, thứ hoa mà với bà con khu vực Trung Trung bộ chúng tôi không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày Tết. Để có được những bông hoa như nói trên không hề dễ, nhưng sự kiên trì, sáng tạo của những bàn tay khéo léo và óc tưởng tượng phong phú của những người lính chúng tôi thì việc gì rồi cũng thành công!
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Sau một năm lao động, rèn luyện, học tập và chiến đấu gian khổ, mọi người tề tựu về hậu cứ vui chơi trong ba ngày Tết trong “hòa bình”, khi mà các bên giữa các chính phủ liên quan cuộc chiến thỏa thuận ngừng bắn để nhân dân và quân đội được sum họp cùng gia đình vui Tết đón xuân, thờ cúng tổ tiên ông bà. Và đây cũng là dịp những cán bộ, chiến sĩ xa nhà như chúng tôi có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ bao nỗi niềm của những tháng ngày xa cách nhau, cũng là lúc “điểm danh” đồng đội, ai còn ai mất, ai đã thay đổi công tác, thay đổi đơn vị, địa bàn. Không có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh” thì chén trà, nhành hoa trong ba ngày đón Tết cổ truyền dân tộc của chúng tôi cũng góp phần làm tươi vui hơn, vơi đi nỗi niềm thương nhớ người thân, nhớ quê hương xứ sở và sẵn sàng chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho cuộc chiến đấu, công tác trong năm mới!
ĐOÀN MINH PHỤNG