(GLO)- Dê là con vật rất gần gũi với đời sống vật chất và tinh thần người Việt Nam. Song ít ai ngờ được rằng mãi đến thời vua Minh Mạng (1820-1840) mới có chủ trương nuôi dê. Do lúc này, dê là con vật quý nên thịt của chúng chỉ được dùng vào các cuộc lễ tế do triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Đặc biệt, dê đã được các vua Nguyễn dùng làm lễ vật tế đàn Nam Giao để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời, đặt tại làng An Ninh vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn dời về phía Nam Kinh thành Huế- nay thuộc phường Trường An, TP. Huế. Đây là đàn tế trời duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn có rừng thông xanh bao bọc. Trước đây, đích thân nhà vua cùng các quan lại triều đình nhà Nguyễn trồng và chăm sóc những cây thông này.
Đối với họ, đàn Nam Giao là chốn thiêng liêng bậc nhất. Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau. Trong đó, tầng trên cùng hình tròn-tượng trưng cho trời. Hai tầng tiếp theo hình vuông tượng trưng cho đất và con người. Cả ba tầng đều trổ cửa và bậc cấp ở bốn mặt Đông-Tây-Nam-Bắc. Xung quanh còn có các công trình như Trai Cung (nơi vua nghỉ ngơi trai giới trước khi tế lễ), Thần Trù (nơi chuẩn bị các con vật cúng tế), Thần Khố (kho chứa đồ dùng cho cuộc tế)…
|
Trang nghiêm đoàn rước đi lễ tế đàn Nam Giao. Ảnh: Bùi Oanh |
Xuất phát từ quan niệm “Vua là Thiên tử” (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế tạ ơn trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ tế Nam Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm cho đến thời vua Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần.
Công việc chuẩn bị được giao cho bộ Công và bộ Lễ, tiến hành hàng tháng trước khi tế. Các quan và bản thân nhà vua cũng phải trai giới ba ngày trước khi tế. Dưới thời Bảo Đại, thời gian trai giới rút xuống còn một ngày. Người ta gọi những con vật cúng tế trong dịp này là các con sinh hay còn gọi con sanh.
|
Dê (bìa trái) con vật được các vua Nguyễn dùng làm lễ cúng tế trời tại lễ tế đàn Nam Giao. Ảnh: Bùi Oanh |
Đó là trâu, heo, dê. Vua đích thân ban hành những chiếu dụ thông báo cho dân chúng, tri ân cho các quan và cho phép giảm án tù. Cuộc lễ chính thức bắt đầu lúc 2 giờ sáng, với nhiều nghi lễ lần lượt tiến hành ở các tầng đàn, có sự tham gia các quan cũng như sự góp mặt của dàn nhạc (chuông, trống, chiêng, khánh, tù và, nhị, sáo...). 128 văn công và vũ công múa Bát Dật, các ca công hát 9 khúc nhạc tế trong 9 giai đoạn khác nhau của cuộc lễ.
Sau gần 3 tiếng đồng hồ, buổi tế mới kết thúc. Lễ tế Nam Giao cuối cùng dưới thời quân chủ Việt Nam được tổ chức thời vua Bảo Đại, vào nửa đêm rạng ngày 23-3-1945. Ngày nay, đàn Nam Giao trở thành di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di văn hóa thế giới. Trong các kỳ diễn ra Festival Huế, dù chỉ là tái hiện và được lược bớt một số nghi thức nhưng lễ tế Nam Giao vẫn không mất đi tính trang nghiêm, kính cẩn vốn có.
Nhiều du khách và người dân địa phương đều chờ đợi để được chiêm bái. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lý giải, dê là con vật rất gần gũi với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Song không ai ngờ được rằng mãi đến thời vua Minh Mạng mới có chủ trương nuôi dê. Sách Đại Nam Thực Lục chép rằng: “Mùa đông mùa đông năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua sai người của tỉnh Thừa Thiên đi mua 220 con dê đực, 100 con dê cái. Rồi chọn 20 con dê đực giao cho Tể sanh (cơ quan làm thịt súc vật của triều đình) nuôi để cúng tế (dùng hết lại chọn 20 con dê đực khác), còn bao nhiêu giao cho dân nuôi.
Sau bốn năm nhân giống, đến mùa hạ năm Minh Mạng thứ 21 (1840), nhà vua sai phát thứ dê đuôi to cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Gia Định và Hà Nội để chăn nuôi. Các tỉnh lớn 2 cặp đực cái, các tỉnh nhỏ 1 cặp đực cái. Hễ sinh sản ra nhiều có thưởng nhưng nếu hao hụt là phạt nặng”. Do lúc này, dê là con vật quý nên thịt của chúng chỉ được dùng vào các cuộc lễ tế.
|
Toàn cảnh lễ tế đàn Nam Giao được tái hiện tại các kỳ Festival Huế. Ảnh: Bùi Oanh |
Ban đầu trong các đồ mặn tế Nam Giao đặt tại đàn thượng có thịt dê ướp (dương hải) bên cạnh thịt nai và heo rừng ướp… Mỗi thứ thịt ướp được bỏ vào một cái đậu có nắp đậy bằng kim khí tráng men xanh. Về sau, dê sinh sản nhiều, được tiếng là bổ dương nên được dùng trong bữa cơm ngự thiện (vua ăn), tiệc tùng trong phủ phòng các ông hoàng bà chúa và các quan.
Ngoài ra, năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh-công trình nghệ thuật bằng đồng đặc sắc nhất, được đánh giá như một tượng đài văn hóa Việt vừa được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia. Trong số 9 linh vật trên Cửu Đỉnh thì dê được khắc nổi ở hông Dụ Đỉnh đặt hàng thứ tư bên trái trước sân Thế Miếu (Đại nội Huế) tượng trưng cho sự phong phú.
Đồng thời, trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi- một chi quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới.
Tháng Mùi là tháng sáu Âm lịch, thời tiết sáng sủa nhất trong năm, cây cối tươi tốt, ra hoa kết quả nhiều nhất và con người cũng vừa thu hoạch xong vụ chiêm, dồi dào sinh lực. Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa tại Huế, trong các giống vật nuôi, dê là loài có ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực tới đời sống văn hoá người Việt.
Quan niệm tín ngưỡng còn cho rằng, người sinh năm Mùi thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời. Câu ca dao: "Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi-Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân" có ý nghĩa xuất phát từ đó.
Bùi Oanh