Tây Nguyên vượt "bão" Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là cao nguyên nằm ở phía tây Tổ quốc, Tây Nguyên có năm tỉnh với dân số hơn năm triệu người, 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hằng ngày, lượng người từ Tây Nguyên dịch chuyển qua lại với các tỉnh, thành phố trong nước khá lớn. Nhưng tính đến nay, ngày 4-4-2020, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Để có được kết quả này, ngay từ khi mới xuất hiện những ca bệnh đầu tiên trong nước, các cấp, các ngành tại Tây Nguyên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt và bước đầu mang lại hiệu hiệu quả… Nhân Dân điện tử chuyển tới bạn đọc loạt bài ghi nhận của nhóm PVTT Báo Nhân Dân tại khu vực Tây Nguyên.
 
Chốt dã chiến tại biên giới của Bộ đội Biên phòng Đắk Nông.
Kỳ 1: Biên giới, tuyến đầu chống dịch
Khu vực Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh thì bốn tỉnh có đường biên giới giáp với các nước bạn. Với phương châm “phòng, chống là chính, ngăn chặn vào Việt Nam là chủ yếu”, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đã và đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Lê Minh Chính, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum, cho biết: Kon Tum có đường biên giới dài 292,522 km, tiếp giáp với hai nước bạn. Trên tuyến biên giới có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, hai cửa khẩu phụ, ngoài ra còn nhiều đường mòn, lối mở truyền thống qua lại biên giới của nhân dân cũng như lực lượng bảo vệ biên giới của các nước giáp biên. Trước tình hình diễn biết phức tạp của dịch Covid-19, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã quán triệt nghiêm túc phương châm “chống dịch như chống giặc” và xác định đây là một nhiệm vụ như trong thời chiến. Từ đó, Đảng ủy đã có chỉ đạo và giao cho Bộ Chỉ huy xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đến tất cả các đồn biên phòng và các đơn vị cơ động trong toàn lực lượng. Quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nhận thức đúng đắn về những tác hại của dịch Covid-19 để cho mọi cán bộ chiến sĩ có ý thức cảnh giác, có trách nhiệm cao trong công tác phòng, chống.
“Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 43 chốt với hơn 400 cán bộ chiến sĩ tại 16 đồn dọc biên giới để kịp thời phát hiện người vượt biên, nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới trở về thì phải khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo đúng quy định”, Đại tá Lê Minh Chính nói. Tại cửa khẩu Bờ Y, lực lượng Biên phòng Kon Tum phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nước bạn Lào để nắm số người xuất nhập cảnh qua lại để tiến hành hướng dẫn cho họ làm các thủ tục, phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác cách ly số người từ phía Lào về Việt Nam qua cửa khẩu. Bộ Chỉ huy Biên phòng Kon Tum cũng chỉ đạo lực lượng cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh làm tốt việc tuyên truyền cho số người qua lại làm ăn trên biên giới, để họ hiểu hơn về tình hình dịch bệnh, từ đó có ý thức phòng, chống tốt. Đồng chí Phó Chính ủy cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ vật tư y tế, các vật dụng để phục vụ cho anh em làm nhiệm vụ trên biên giới. Hiện nay đang là thời tiết mùa khô rất khắc nghiệt, anh em vừa thiếu nước sinh hoạt, vừa phải chịu nắng nóng, nhưng với quyết tâm cao chống dịch, lực lượng biên phòng quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Sau cuộc trao đổi với lãnh đạo BĐBP tỉnh, chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Mo Ray đóng trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) và ghi nhận thêm thực tế ở nơi tuyến đầu chống dịch. Thiếu tá A Chí, Đồn trưởng, cho biết: “Đồn chúng tôi thành lập hai chốt trên biên giới, mỗi chốt bố trí năm đồng chí. Cả hai chốt đều không có điện, trong đó chốt tiếp giáp mốc 11 không có sóng điện thoại, rất khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chỉ huy Đồn thường xuyên cắt cử các đồng chí trong ban lãnh đạo hằng ngày vào kiểm tra, đôn đốc anh em trong đấy để báo cáo cụ thể bộ chỉ huy”. Cũng theo Đồn trưởng A Chí, khó khăn tiếp theo là vấn đề tiếp tế thực phẩm, đơn vị trực tiếp cử một đồng chí chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm để anh em tại chốt thực hiện tốt nhiệm vụ. Hiện tại, các trang thiết bị để phòng, chống dịch cũng còn thiếu thốn. Mới đây, đoạn đường vào chốt tại mốc 11 lại bị nhiều cây cổ thụ ngã đè chắn ngang.
* * *
Ở phía nam Tây Nguyên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đóng quân trên địa bàn biên giới tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hai bên biên giới nắm rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. BĐBP Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ, khiểm soát cửa khẩu và triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tuyến biên giới theo đúng yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và của tỉnh Đắk Nông.
 
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Nông thăm, tặng quà các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại biên giới.
Ngoài hai cửa khẩu Đắk Puer và Bu Prăng, BĐBP Đắk Nông còn thành lập thêm 12 chốt kiểm soát cố định và năm chốt lưu động trên chiều dài 130 km đường biên giới để kiểm soát người và phương tiện qua lại. Các đồn biên phòng đều bố trí lực lượng từ năm đến bảy chiến sĩ phối hợp cùng dân quân, công an các xã đóng chốt tại các đường mòn, lối mở, kết hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Các đơn vị biên phòng luôn nắm chắc tình hình nội ngoại biên, tình hình bà con Việt kiều; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của nước bạn, các lực lượng của địa phương dọc tuyến biên giới, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để phát sinh đường mòn, lối mở mới. BĐBP tỉnh Đắk Nông cũng tích cực đẩy mạnh đấu tranh chống lại các thông tin sai sự thật trên không gian mạng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP là một tuyên truyền viên, chiến sĩ quân y trên mặt trận chống dịch Covid-19.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đăk Nông Nguyễn Văn Lư cho biết, đơn vị đã chỉ đạo tất cả các cửa khẩu biên phòng cần đưa kiểm dịch lên quy trình đầu tiên, từ chối nhập cảnh người có thân nhiệt cao, hạn chế cho phép người đi từ các quốc gia vùng dịch về, yêu cầu tất cả hành khách, cán bộ, chiến sĩ kê khai y tế đầy đủ. Lực lượng chúng ta thường xuyên trao đổi với đồn cửa khẩu nước bạn nhằm kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất nhập cảnh. Khi có chỉ thị kịp thời đóng cửa khẩu ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Hiện, hai cửa khẩu Đắk Puer (Đắk Mil) và Bu Prăng (Tuy Đức) đã đóng cửa theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 1-4.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu P'răng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) Ngô Bá Quyền cho chúng tôi biết, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, các bước khi kiểm tra, kiểm soát. Đưa công tác kiểm tra dịch bệnh lên tuyến đầu, sau khi an toàn thì tiến hành các bước tiếp theo.
Dù không có cửa khẩu như Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, nhưng trên tuyến biên giới 73 km giáp với nước bạn của tỉnh Đắk Lắk có nhiều đường mòn, lối mở, người dân thường qua lại. Gần đây, khi các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng thì nhiều kiều bào tìm đường về nước để tránh dịch. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn người nhập cư và kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới luôn được lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh quan tâm. Thượng tá Nguyễn Minh Tuyến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk, thông tin: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và tỉnh Đắk Lắk, đến nay ngoài các đồn đóng trên địa bàn biên giới, BĐBP tỉnh đã thành lập 12 tổ cơ động, sáu chốt cố định, hai điểm kiểm tra y tế trên Quốc lộ 14C gồm một điểm tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông và một điểm tiếp giáp với tỉnh Gia Lai để kiểm soát người qua lại biên giới và lưu thông trên Quốc lộ 14C. Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê nằm trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp đã thành lập một khu tiếp nhận kiểm tra y tế, khi tiếp nhận những Việt kiều băng rừng từ Campuchia về sẽ đưa vào khu tiếp nhận này để phân loại và kiểm tra y tế ban đầu, sau đó đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh để cách ly theo đúng quy định.
* * *
Tinh thần chủ động, sẵn sàng tổ chức ứng phó với mọi hoàn cảnh, là những gì mà các phóng viên Báo Nhân Dân đã ghi nhận tại các Cửa khẩu Quốc tế và dọc tuyến biên giới tiếp giáp giữa Tây Nguyên với các nước bạn. Từng bộ phận căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, tổ chức triển khai thêm các tổ, chốt chặn nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập; duy trì tổ cơ động ứng phó, sẵn sàng cơ động để phòng, chống dịch; chỉ đạo quân y tăng cường giám sát và quản lý sức khỏe cho bộ đội; mua và cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn, các máy móc, dụng cụ tiêu độc, khử trùng để cấp cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm việc khử độc, tẩy trùng tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, triển khai thêm nhiều vị trí giám sát y tế, khu vực cách ly theo quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Nói thêm về tinh thần chủ động, Đại úy Cao Viết Hào, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, cho biết: “Dù đã tạm thời đóng cửa biên giới, nhưng chúng tôi thường xuyên trao đổi với lực lượng phía nước bạn để nắm bắt tình hình,…”.
(Kỳ sau: Về buôn làng chống dịch với đồng bào)
BIỂU LÝ HÒA-YÊN BẢO THẮNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.