Tây Nguyên: Trẻ em liên tục tử vong do đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum... (vùng Tây Nguyên) đã liên tục xảy ra các vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm, nhiều cháu chẳng may qua đời khi tuổi còn quá nhỏ. Đáng nói, những ao, hồ chứa nước được người dân đào trong rẫy để tưới cho cà phê, tiêu... đã vô tình trở thành “hố tử thần” vùi chôn tuổi thơ của các em...
Thầy giáo trường THCS Ngô Mây (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) dạy bơi cho các em học sinh trong mùa hè. Ảnh: Bảo Trung
Thầy giáo trường THCS Ngô Mây (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) dạy bơi cho các em học sinh trong mùa hè. Ảnh: Bảo Trung
Những cái chết báo trước
Theo Sở LĐTBXH  Gia Lai, từ năm 2016 cho đến nay, địa phương đã có hơn 260 trẻ em tử vong vì đuối nước. Riêng tính từ đầu năm đến tháng 6.2020, tại tỉnh Gia Lai xảy ra 24 vụ đuối nước ở trẻ em, khiến 29 cháu nhỏ tử vong. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, chỉ trong vòng ít ngày, liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 6 em nhỏ tử vong.
Theo ghi nhận của phóng viên, mùa hạn hán vừa qua diễn ra gay gắt, nắng nóng trên diện rộng làm hồ khô suối cạn khô héo một diện tích lớn nông sản của người dân ở các tỉnh kể trên. Vì vậy, người dân địa phương thuê máy móc, nhân công về đào thêm nhiều hố sâu chứa nước. Các hồ tưới tiêu này không được rào chắn cẩn thận, các em nhỏ không được sự quan tâm, theo dõi của bố mẹ, thoải mái rong chơi, tắm sông suối, ao hồ, dẫn đến sẩy chân tử vong.
Anh Ksor Công (xã Ia Der, huyện Ia Grai) tâm sự: ‘’Những cái chết của trẻ bắt nguồn từ sự chủ quan của người lớn. Mặt khác, điều này cũng phản ánh những khó khăn của đời sống người dân Tây Nguyên, cha mẹ mải mê mưu sinh trên nương rẫy, bỏ bê con cái. Khi người dân cần đào hồ nước tưới thì cần thiết phải báo cáo lên cấp xã, để được tư vấn cách rào chắn cảnh báo’’.
Tại Đắk Lắk từ đầu năm đến nay đã có gần 20 trẻ em tử vong do đuối nước, tập trung rải rác ở một số huyện như Ea Kar, Krông Năng... Đáng chú ý, đầu tháng 6.2020, một nhóm trẻ ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) rủ nhau đi tắm ao (để tưới cà phê) thì không may có 2 cháu bị hổng chân, chết đuối. Cả hai đều chưa đến 10 tuổi, trước đó phụ huynh các em đã căn dặn không được chơi đùa, tắm ao nhưng rồi sự việc đáng tiếc trên vẫn xảy ra.
Vẫn khó có giải pháp dài hơi
Trẻ em ở nhiều tỉnh Tây Nguyên liên tục tử vong do đuối nước chẳng phải là việc quá mới. Năm nào toàn vùng này cũng có cả trăm trường hợp ‘’người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh’’. Tuy vậy, chính quyền các tỉnh vẫn chưa có những giải pháp thực sự căng cơ để giải quyết dứt điểm. Hằng năm, UBND các tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan ra sức hô hào, tuyên truyền, vận động người dân lưu tâm đến vấn đề này. Nhưng rồi sự việc vẫn đâu lại vào đấy.
Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐTBXH Đắk Lắk - nhận định: ‘’Hiện, nguồn kinh phí của cả tỉnh lẫn trung ương phân bổ cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở tỉnh mỗi năm chỉ 200 triệu đồng, quá ít so với nhu cầu thực tế. Qua đó, việc tuyên truyền nâng cao kiến thức và dạy bơi cho trẻ vẫn chưa được sâu sát. Nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, chính quyền gần như buông lỏng vấn đề này’’. 
Sở LĐTBXH Đắk Lắk trước đó đã triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành với sự tham gia của hàng loạt sở, ban ngành như y tế, giáo dục, công an, giao thông... để phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở tỉnh nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình, số trẻ em chết đuối vẫn còn ở mức khá cao. Đơn vị, vẫn đang vận động các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ kinh phí để thực hiện công tác phòng chống đuối, nước cho trẻ em ở tỉnh. Năm 2019, một số tổ chức đã hỗ trợ gần 2 tỉ đồng để đơn vị tiến hành thí điểm ở huyện Ea Kar, số lượng trẻ chết đuối ở vùng này đã giảm đáng kể. Sắp đến, chúng tôi dự kiến sẽ áp dụng tại huyện Cư M’Gar và xem xét nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh (nếu thấy khả quan), ông Hùng thông tin.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, cắm các biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, có dòng nước chảy xiết hoặc hồ tưới dung tích lớn.
Gia Lai còn tiến hành thực hiện thí điểm thực hiện đề án Chương trình bơi an toàn cho trẻ. Đến năm 2020, mỗi địa phương có ít nhất 2 hồ bơi để tổ chức tập bơi cho các cháu; 100% ao hồ, đập, hồ tưới nước phải có giải pháp làm rào chắn, biển báo để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Chính quyền Gia Lai hy vọng mỗi năm trên toàn tỉnh sẽ giảm được 15% tỉ lệ trẻ bị đuối nước.
Ông A Kang - Giám đốc Sở LĐTBXH Kon Tum - chia sẻ: ‘’Hai năm qua UBND tỉnh không rót đồng nào để đơn vị thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Chúng tôi mới phối hợp với Sở GDĐT tỉnh mở một số hồ bơi ở những trường vùng sâu, vùng xa để dạy bơi, trang bị những kỹ năng cần thiết để học sinh xử lý lúc gặp nguy hiểm. Hiện, số trẻ em chết đuối ở Kon Tum đang ở mức khá thấp trong khu vực Tây Nguyên. 
BẢO TRUNG - THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm