Tây Nguyên liên kết xúc tiến đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-12, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức Hội nghị Liên kết xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội năm 2013.
 

Ảnh: Lệ Thủy
Ảnh: Lệ Thủy

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân hàng năm tăng 12%; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 26,9 triệu đồng (năm 2012); quốc phòng-an ninh được đảm bảo…

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên tổ chức tháng 4-2013 ở TP. Pleiku (Gia Lai), lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng và 11,5 triệu USD. Nhưng hiện nhiều dự án chưa triển khai hoặc tiến độ chậm.

Các tham luận tại Hội nghị đã nêu lên những nguyên nhân, đồng thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên. Trong đó, nhấn mạnh việc liên kết vùng để trao đổi thông tin liên quan đến đầu tư; liên kết tổ chức các sự kiện, chương trình xúc tiến đầu tư; tổ chức các đoàn chung của Tây Nguyên để xúc tiến đầu tư ra nước ngoài…

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết hợp tác liên kết xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên gồm nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng danh mục dự án trọng điểm của vùng để kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án có lợi ích kinh tế-xã hội cao, công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển nguồn nhân lực, có tác động liên kết vùng, liên kết thị trường và đối tác, doanh nghiệp trong vùng. Các tỉnh cũng sẽ phối hợp xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên mang tính dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế toàn vùng và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương…

Lệ Thủy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.