(GLO)- Trong khuôn khổ hội nghị “Liên kết phát triển văn hóa-thể thao và du lịch khu vực Tây Nguyên mở rộng” do Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) tại Đà Nẵng vừa được tổ chức tại TP. Pleiku, các đại biểu cùng dành mối quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hợp sức để phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.
“Nên có ngày cồng chiêng Tây Nguyên”
“Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản đặc sắc, nổi trội của các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với di sản văn hóa phi vật thể này là các di chỉ khảo cổ cho thấy chứng tích về nguồn gốc bản địa xa xưa của nhân dân Tây Nguyên hàng ngàn năm trước… Bề sâu, rộng của nền văn hóa độc đáo này đủ để ngành du lịch khai thác, phát triển thành thương hiệu riêng có của vùng”-Phó Giáo sư Trương Quốc Bình-Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nêu ý kiến.
Ảnh: Đức Thụy |
Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT và DL Gia Lai nêu ý tưởng khá thú vị: “Nên có ngày cồng chiêng Tây Nguyên. Các tỉnh trong khu vực nên có ít nhất một ngày dành riêng cho cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng. Ngày đó nên là định kỳ và càng nên chỉ dành riêng cho hoạt động tôn vinh, trình diễn cồng chiêng mà thôi. Hãy tổ chức mà như không tổ chức, nên tìm mọi cách và cố gắng hết sức để trả lại môi trường tự nhiên cho cồng chiêng, cho dù môi trường ấy là do chúng ta tạo ra hôm nay. Tây Nguyên là xứ sở của cồng chiêng, của văn hóa cồng chiêng nhưng Tây Nguyên ta không có một ngày nào cụ thể để tôn vinh báu vật này thì thật là… vô lý”.
Tây Nguyên có sẵn báu vật để xây dựng thương hiệu du lịch khác biệt và hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại, không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mai một, môi trường sinh thái thay đổi, rừng bị tàn phá nặng nề, cồng chiêng chảy máu, sử thi mất dần do không có người kế tục… là thách thức lớn cho các tỉnh Tây Nguyên nếu muốn khai thác thế mạnh văn hóa thành thương hiệu du lịch.
Phó giáo sư Trương Quốc Bình nhận định: “Bằng mọi cách, các tỉnh Tây Nguyên phải liên kết lại để bảo tồn không gian sống, khôi phục môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội cho cộng đồng cư dân bản địa. Đối với các dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, không thể đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng GDP mà nên lấy chỉ tiêu về hạnh phúc, xem đồng bào có hài lòng, hạnh phúc trong môi trường sống hay không, như thế mới giúp họ bảo tồn truyền thống văn hóa vốn có và phát huy nó. Và có như thế, ngành du lịch mới có cơ hội khai thác sự độc đáo này để phát triển du lịch”.
Cần hợp sức
Cùng với không gian văn hóa cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên có những đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch. Nhưng so ra với các khu vực khác, du lịch Tây Nguyên vẫn chỉ đứng hàng thứ yếu. Theo đánh giá của Vụ thị trường Du lịch: “Phát triển du lịch Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng trung bình của du lịch Tây Nguyên đạt 12%/năm. Số lượng khách du lịch đến Tây Nguyên trong những năm gần đây tăng chậm và không đều, có lúc giảm đáng kể”.
Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ về những hạn chế trong phát triển du lịch vùng Tây Nguyên. Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở VH-TT và DL Gia Lai thẳng thắn nhìn nhận: “Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan đó chính là thiếu sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên”.
Ông Nguyễn Đức Tuấn- Vụ trưởng, Phó chánh văn phòng Bộ, Giám đốc cơ quan đại diện văn phòng Bộ VH-TT và DL tại Đà Nẵng nhận xét: “Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong liên kết phát triển, tổ chức những lễ hội mang tính vùng miền. Tuy nhiên các hoạt động vẫn còn riêng lẻ, chưa có sự liên kết gắn bó với nhau. Liên kết không phải là việc kết nối, tham gia các sự kiện của nhau mà dựa trên quy tắc chung”.
Ở góc độ thị trường, đại diện Vụ Thị trường Du lịch cho rằng: “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tây Nguyên sẽ tạo ra những sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, mang thương hiệu vùng và có tính cạnh tranh”. Bên cạnh đó, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, liên kết bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng… được đại diện các tỉnh trong khu vực đồng thuận trong tiến trình liên kết để phát triển du lịch toàn vùng.
Liên kết phát triển du lịch sẽ khó thành công nếu không có người cầm trịch. Đây cũng là kinh nghiệm chung của nhiều khu vực trong cả nước. Đối với khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Tuấn khẳng định tại hội nghị: “Chính thức giao nhiệm vụ cho cơ quan Đại diện Văn phòng Bộ VH-TT và DL tại miền Trung-Tây Nguyên làm đầu mối tổ chức, tập hợp các nội dung liên kết trong khu vực. Hàng năm tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá thẳng thắn, góp phần làm nền tảng cho việc liên kết đạt hiệu quả”.
Nguyên Bình