Ngày 29-1, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2013, tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ cũng như các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng tiếp theo.
Một trong những trọng tâm được đa số các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp này là triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 1-2013 của Chính phủ. |
Những tín hiệu lạc quan của tháng đầu năm
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2013, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Nổi bật là lãi suất tín dụng giảm, góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với tháng trước, là mức tăng trung bình so với cùng kỳ các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước...
An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm như: xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán và giáp hạt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thắt chặt; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong tháng, rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán cục bộ tại một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả, thực phẩm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao. Lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh trên người và ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, việc tổ chức triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ở một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời; sự phối hợp điều hành trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại…
Phát biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chỉ số lạm phát tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan.
Cho rằng các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành cần rất khẩn trương trong việc ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai thực hiện, làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Qua thực tế khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các tỉnh, thành phố đều triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đến cấp huyện, nhiều tỉnh đã triển khai xuống cấp xã, từ đó tạo đồng thuận, thống nhất hành động ngay từ đầu năm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất cho rằng cần bắt tay ngay vào việc xử lý điều hành, lập lại kỷ cương, cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế, đề án để nhanh chóng đưa các chủ trương, giải pháp của Chính phủ vào cuộc sống.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong sản xuất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hiện tượng chuyển giá, “lãi thật, lỗ giả” của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện việc kiểm toán, kiểm tra chuyển giá của doanh nghiệp.
Để tăng hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán gà lậu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần làm tốt công tác thông tin để người dân hiểu rõ tác hại của việc ăn gà thải loại do còn tồn dư kháng sinh rất lớn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tăng hiệu quả của cơ chế kiểm soát liên ngành đối với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vận chuyển, buôn bán gà lậu.
Tập trung chăm lo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường giá cả; bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, nhà hàng; xử lý nghiêm minh và công khai các hành vi vi phạm.
Tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo đảm gieo cấy vụ đông xuân kịp thời vụ, đồng thời, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm phòng chống cháy nổ và trật tự xã hội trong dịp Tết, đặc biệt là tại các thành phố lớn ...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định ngành nông nghiệp đã có phương án chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát chất lượng từ nguồn các loại thực phẩm thiết yếu dịp Tết. “Chắc chắn đảm bảo đủ nguồn cung, chất lượng thịt, rau, thủy sản”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.
Cho biết, ngành vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều đã bố trí đủ phương tiện, có phương án tăng xe, tăng chuyến dịp trước và sau Tết, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định, ngành giao thông sẽ đảm bảo không có tình trạng người dân không được về quê ăn Tết vì thiếu tàu xe. Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm này, người dân vẫn có thể mua vé đi vào các ngày cao điểm, một số chuyến tàu, tuyến bay còn thừa khá nhiều chỗ.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Văn Huân cho biết ngành đã làm việc chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung các khu công nghiệp để có giải pháp đảm bảo lương, thưởng cho công nhân, tạo điều kiện cho họ về quê ăn Tết.
Một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chính là các giải pháp đảm bảo nhân dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng “nhồi nhét” trên tàu, xe. “Nếu cần các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo tốt cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ... Công an các tỉnh, thành kiểm soát nghiêm việc cấm đốt pháo, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông, trước mắt là giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với Tết năm trước.
Khẩn trương cụ thể hóa các Nghị quyết của Chính phủ
Các thành viên Chính phủ kiến nghị các cấp, các ngành, địa phương tích cực thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01và số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ.
Trong đó, tập trung cải thiện công tác điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp, nhất là các biện pháp có thể làm tăng giá cả. Khẩn trương triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: giảm chi phí, giá thành sản phẩm; tăng sức mua, giảm tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ, như: đưa hàng về nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Triển khai các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành cần tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách quyết liệt, khẩn trương. “Trước hết là cụ thể hóa thể chế, có những nội dung đã nêu trong Nghị quyết nhưng không có Thông tư, Nghị định để triển khai những quy định cụ thể thì không thực hiện được. Từng bộ phải rà soát, đánh giá lại theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết của Chính phủ ngay trong Quý 1”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần đặc biệt chú ý việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thường trực Chính phủ xử lý những vấn đề còn vướng mắc, nhất là trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tốt lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, không để “giật cục”, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành Tài chính tập trung giải ngân hết vốn 2012, triển khai vốn 2013, đồng thời nắm chắc nhu cầu để xem xét, xử lý việc ứng vốn năm 2014 cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua gạo tạm trữ, không để giá xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao cảnh giác trong giữ vững chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngay từ đầu năm cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Theo TTXVN