(GLO)- Mặc dù mưa lũ đã đi qua gần một tháng, nhưng những hậu quả để lại đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Kbang. Đặc biệt, hệ thống giao thông trên địa bàn bị hư hỏng nặng đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản hàng hóa của người dân. Hiện nay các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục.
Đợt mưa bão vừa qua được coi là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện, ngoài thiệt hại về người, hoa màu thì mưa lũ cũng đã làm cho hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng. Theo số liệu kiểm tra thực tế, có gần 100 km trục đường liên xã, gần 80 km đường nội thôn, làng bị xói lở, xẻ rãnh; trên 270 km đường nội đồng bị lầy lún, xói lở; gây ách tắc nhiều tuyến đường liên xã, nội đồng. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã cuốn trôi 5 cầu dân sinh và xói lở một số mố cầu trên địa bàn.
Ảnh: Quang Tấn |
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn huyện, đặc biệt là về hệ thống giao thông, có hơn 450 km đường giao thông liên xã, nội thôn làng và đường vào khu sản xuất bị hư hỏng, sạt lở, trong đó có một số cầu cống bị hư hỏng, cuốn trôi gây nên tình trạng ách tắc giao thông. Thiệt hại ước tính ban đầu theo số liệu của các địa phương và đánh giá của các ngành là trên 7,5 tỷ đồng.
Để đảm bảo cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân trên địa bàn, ngay sau mưa lũ đi qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tranh thủ thời tiết nắng ráo tập trung khắc phục. Trong đó, ưu tiên sửa chữa các tuyến trọng điểm và bị hư hỏng nặng trước, như đường liên xã đi Kon Pne, từ trung tâm xã Kông Lơng Khơng về trung tâm huyện, đoạn đường từ ngã ba làng Bờ Ngăn, xã Kông Lơng Khơng đi các xã Đak Hlơ, Kông Pla. Ông Đinh Num ở làng Bờ Ngăn, xã Kông Lơng Khơng, nói: “Sau đợt mưa lũ vừa rồi tôi thấy đường khó đi lắm, hư hỏng nhiều lắm, mình cũng mong Nhà nước tranh thủ làm cho nhanh nhanh đảm bảo vận chuyển mía và đi lại của bà con mình dễ hơn”.
Bên cạnh đơn vị chuyên môn là Đội Công trình Giao thông thì huyện cũng đã huy động thêm một số doanh nghiệp tư nhân, người dân để tập trung khắc phục sửa chữa. Nhìn chung hiện nay, các đơn vị thi công đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện để vừa đẩy nhanh tiến độ thi công và vừa đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Ông Cao Cự Minh-Đội trưởng Đội Công trình Giao thông huyện, cho biết: Trong quá trình sửa chữa các tuyến đường, thì Đội đã huy động phương tiện là máy đào, máy ủi, xe gạt, xe ô tô để khắc phục, sửa chữa đảm bảo giao thông đi lại. Để đảm bảo nhanh chóng phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển mía của bà con nhân dân, Đội cũng đã dùng nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công như: cho máy đào đi trước lấp những ổ gà cục bộ, những hố to, sâu để đảm bảo cho xe đi lại, sau đó dùng xe gạt và tiến hành đổ đất, đặc biệt động viên anh em trong đơn vị tranh thủ làm ngoài giờ.
Theo đó, đối với đường giao thông bị hư hỏng thì tổ chức đổ đất, san gạt, lăn, lu lại mặt đường; vét rãnh thoát nước; những vị trí bị sình lầy sẽ đổ đá hộc để gia cố. Đối với cầu dây dân sinh, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cho các xã huy động nhân dân làm lại, còn cầu vào làng Vir, xã Krong, do kết cấu phức tạp đòi hỏi phải có kỹ thuật và phương tiện máy móc nên sẽ do Đội Công trình Giao thông huyện đảm nhận. Còn lại, các tuyến đường nội thôn làng, đường sản xuất được phân cấp cho các xã thì chỉ đạo địa phương tập trung huy động các nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ, nhân dân, doanh nghiệp để sửa chữa.
Với công tác khắc phục đang được triển khai một cách nhanh chóng, những hư hỏng về hệ thống giao thông trong đợt mưa lũ vừa qua đang dần được sửa chữa hoàn thiện, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, đến ngày 15-12 những hư hỏng về hệ thống giao thông sẽ cơ bản được khắc phục để đảm bảo cho nhân dân vận chuyển mía và trong tháng 12 phải hoàn thành dứt điểm để phục vụ cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Quang Tấn