(GLO)- L.T.S: Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự trợ giúp của cộng đồng, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều người đã có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhân Đại hội đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 2013-2018) của Hội, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Măng Đung-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và phương hướng trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung tặng quà cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: Đức Thụy |
-P.V: Với vai trò là Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, ông đánh giá như thế nào về những hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2008-2013?
Ông MĂNG ĐUNG: Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của Trung ương Hội, sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và đạt được những kết quả tích cực. Đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội đã khắc phục những khó khăn bước đầu, tích cực tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia bảo trợ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh. Hội cũng đã xây dựng được nguồn quỹ bền vững và đã có hàng ngàn lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi được thụ hưởng, bước đầu giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống, đồng thời giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng xã hội. Đối với người bảo trợ, Hội là cầu nối giữa các nhà bảo trợ với người khuyết tật và trẻ mồ côi; thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Đối với cộng đồng xã hội, Hội đã góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc tỉnh nhà nói riêng; từ đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng các phong trào hoạt động của Hội, tất cả vì mục tiêu chăm lo cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi.
Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã kêu gọi được hàng trăm lượt người tham gia ủng hộ quỹ Hội với số tiền gần 3 tỷ đồng. Theo đó, đã có hơn 5.000 đối tượng được thụ hưởng các chương trình trợ giúp của Hội; cụ thể: cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não: 542 xe; tổ chức phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể: 1.000 ca; tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ mồ côi: 180 người; tặng 500 xe đạp cho trẻ mồ côi; xây mới 4 nhà tình thương; đó là chưa kể đến việc tặng học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi vượt khó học giỏi; hỗ trợ 2 dự án sinh kế chăn nuôi bò trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà cho hàng ngàn lượt người.
-P.V: Trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội cần hướng tới là gì, thưa ông?
Ông MĂNG ĐUNG: Tôi cho rằng, cùng với việc xây dựng, củng cố và mở rộng hệ thống tổ chức Hội thì các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ vào Quỹ hội có tính chất bền vững; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Trung ương Hội, tập trung khảo sát và mở rộng đối tượng, chăm sóc trợ giúp theo hướng ưu tiên hỗ trợ những nhu cầu có tính thiết thực của người khuyết tật và trẻ mồ côi; góp phần tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các chủ trương, nhiệm vụ của tỉnh có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi. Đồng thời, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống; tham gia các hoạt động, sinh hoạt xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi; huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi. Riêng đối với người khuyết tật, cần đẩy mạnh việc thực thi Luật Người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của họ; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo môi trường thuận lợi, thân thiện để người khuyết tật có khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ, từng bước hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội; góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
-P.V: Xin cảm ơn ông!
Trong số hơn 22.200 người khuyết tật và trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa trong tỉnh thì có hơn 16.200 người khuyết tật với khoảng 13.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin; số đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng là 5.575 người. Số người già, người khuyết tật được nuôi ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh là 48 người. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi thì mới có 1.174 em được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; 98 em được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh và 100 em được chăm sóc tại 2 cơ sở tôn giáo là Nhà trẻ Sao Mai và chùa Bửu Châu (TP. Pleiku). |
Thu Huế (thực hiện)
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.