“Tạo hành lang pháp lý cho người dân thực hiện quyền của mình”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Trần Xuân Hiệp- Giám đốc Sở Tư pháp.
Ông Trần Xuân Hiệp- Giám đốc Sở Tư pháp

Ngày 1-1-2010, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân bắt đầu có hiệu lực. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Xuân Hiệp- Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai- cho biết:

Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Ví dụ việc xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mất mấy ngày, đăng ký làm giấy đăng ký quyền sử dụng đất mấy ngày…, nếu cán bộ để quá thời hạn xử lý hồ sơ thì người dân có quyền khởi kiện. Chẳng hạn, nếu anh giải quyết chậm việc làm giấy đăng ký quyền sử dụng đất cho người ta, người ta không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi cụ thể thì công dân ấy có quyền kiện. Hoặc anh quy hoạch treo gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt, mua bán thì công dân cũng có quyền kiện.

Trước đây, người dân có biết quyền của mình bị xâm phạm hay không? Biết, nhưng không muốn rầy rà nên không muốn lên tiếng, có khi còn “bôi trơn” (đưa phong bì lót tay- P.V) để công việc được suôn sẻ hơn; cán bộ lại tưởng dân không biết gì nên càng làm tới. Nhưng từ đầu năm 2010 trở đi, luật đã quy định thì phải làm. Nếu không làm thì phải bồi thường, nhưng nếu đã làm mà trái pháp luật thì cũng phải bồi thường. Đây là điểm tiến bộ của luật này, tạo hành lang pháp lý cho người dân thực hiện quyền của mình. Qua đó, những anh muốn gây khó dễ cho công dân phải được xử lý thích đáng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đây, theo Nghị định 47/1997/NĐ-CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền tiến hành trong lĩnh vực tố tụng hình sự gây ra, mức bồi thường thiệt hại cho công dân tối đa là 36 tháng lương cơ bản, nhưng nay theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân thì mức bồi thường tối đa lên đến… 360 tháng lương cơ bản, gấp 10 lần, tức là bằng 30 năm lương cơ bản! (theo khoản 3, Điều 47).

Ngoài ra, cũng theo luật này, công dân có thể khởi kiện chủ thể là Nhà nước (chứ không chỉ là kiện công chức, viên chức hay một cơ quan nhà nước đã gây ra thiệt hại cho công dân); Nhà nước sẽ có trách nhiệm trực tiếp giải quyết bồi thường cho công dân và sau đó mới quy trách nhiệm, xử lý cơ quan hoặc công chức đã không làm tròn trách nhiệm. Cho dù công chức A. ở xã X. làm sai thì Nhà nước cũng sẽ đứng ra giải quyết bồi thường cho công dân, bởi trước hết, anh A. là công chức của Nhà nước.

Trước tiên người dân cần ý thức quyền của mình để đẩy mạnh việc thực thi luật này trên thực tế, bởi đây chính là quyền chính đáng được Nhà nước bảo trợ. Hơn nữa, vì người dân đã trả lương cho bộ máy Nhà nước thông qua việc đóng thuế nên đây là quyền hiển nhiên. Muốn như thế, cơ quan công quyền cần nói cho dân hiểu về luật này; và báo chí cũng cần tuyên truyền thêm, phải tạo công luận xã hội để người dân nói lên những bất công và thực hiện quyền của mình.

Phương Duyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.