(GLO)- Thực tế cho thấy sau bão lụt, các bệnh tiêu chảy tăng lên từ 5,8 đến 20 lần, bệnh lỵ tăng từ 11,5 đến 50 lần. Đặc biệt, trong mùa mưa dễ xuất hiện bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, các bệnh do thiếu vitamin. Do đó, việc chủ động phòng-chống dịch bệnh trong mùa mưa bão là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Nước ta nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão. Mỗi năm có hàng chục cơn bão đổ bộ vào đất liền kèm theo mưa to, gây lũ lụt lớn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Các công trình cấp nước và vệ sinh bị phá hủy nên dễ phát sinh mầm bệnh. Các mầm bệnh này theo nguồn nước lan khắp nơi, làm tăng khả năng lây lan của các bệnh. Sau mưa bão, xác động vật, thực vật tại các vùng đất ngập úng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt, các loại thực phẩm rau, quả. Đây là nguyên nhân gây nên các loại bệnh đường ruột như tả, lỵ, thương hàn...
Đặc biệt, nước ngập và tù đọng lâu ngày là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát thành dịch sốt xuất huyết.
Đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau khi bão lụt xảy ra là công việc quan trọng để phòng-chống dịch bệnh. Sau bão lụt, vấn đề trọng tâm đối với ngành Y tế là xử lý vệ sinh môi trường, nước ăn uống và sinh hoạt; phát hiện sớm và ngăn ngừa không để dịch bệnh xảy ra. Có kế hoạch chủ động bao vây và dập tắt nếu dịch bệnh xảy ra. Nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và chủ động phòng-chống dịch bệnh trong mùa bão lụt, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường trong và sau bão lụt.
Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, hướng dẫn các biện pháp thu gom rác, nước thải, sử dụng nhà xí hợp vệ sinh, không thả rông gia súc. Tổ chức cho nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, lấp ao tù nước đọng...
Kiểm tra xử lý nước dùng cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Đối với các nhà máy, trạm cấp nước cần xử lý nước lắng, lọc, diệt khuẩn. Nguồn nước giếng của hộ gia đình trong khu vực có lũ lụt thì hướng dẫn người dân xử lý bằng các hợp chất chứa clo, nước khử trùng clo vẫn phải đun sôi mới sử dụng. Nguồn nước tự chảy, nước giọt thì tổ chức cho người dân dọn dẹp vệ sinh bảo vệ nguồn nước.
Đối với người dân cần chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, chất đốt trong mùa mưa lũ. Người dân phải có sẵn các loại thuốc thông thường như: tiêu chảy, cảm sốt, thuốc đỏ, thuốc ngoài da... dự trữ một số chai nước uống sạch, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ. Nếu nước giếng ngập lụt, nước đục, phải tiến hành thau vét giếng, vét hết bùn cặn. Trong trường hợp không thể thau vét được nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung.
Nếu tất cả các giếng trong khu vực đều không thể thau vét được thì áp dụng biện pháp xử lý tạm thời như múc một ít nước lên bể nước rồi đánh phèn và khử trùng. Dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp thì tiến hành thau rửa để sử dụng.
Phòng-chống dịch bệnh với tinh thần chủ động, kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong là mục tiêu lớn nhất mà Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đặt ra trong mùa mưa bão.
Anh Khoa