(GLO)- “Tình hình hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn vào những tháng cuối năm có nhiều biến động do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ lễ, Tết. Theo đó, đây cũng là dịp để các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm càng có những diễn biến phức tạp- ông Phan Minh Túc-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường cho biết.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku là một trong những đơn vị chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu nhằm phục vụ nhân dân mua sắm trong dịp Tết khá sớm. Dựa trên nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, nguồn hàng đợt này tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng; các mặt hàng hóa mỹ phẩm khoảng 17 tỷ đồng; các sản phẩm may mặc gần 15 tỷ đồng; đồ dùng gia đình khoảng 12 tỷ đồng. Tổng trị giá đầu tư nguồn hàng đợt này của Co.op Mart là trên 100 tỷ đồng.
Ngoài các điểm bán hàng cố định, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị những chuyến hàng lưu động về nông thôn để phục vụ nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa. Các đại lý bánh kẹo, bia rượu, các nhu yếu phẩm phục vụ cho Tết trên địa bàn thành phố Pleiku cũng đang rộn ràng, mặc dù khi được hỏi thì hầu hết các chủ đại lý đều cho biết, hiện sức mua của người dân vẫn còn khá yếu, dự là trong tình hình khó khăn như hiện tại, sức mua những ngày tiếp theo cũng sẽ giảm so với mọi năm. Và khi hỏi về chất lượng hàng hóa, tất cả đều cam kết bán hàng đảm bảo chất lượng, hàng có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy vậy, cơ quan chức năng vẫn phải làm nhiệm vụ của mình để đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đi vào ổn định, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã được Chi cục Quản lý Thị trường và các cơ quan có chức năng triển khai thực hiện.
Theo đó, nội dụng kiểm tra tập trung kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu đối với các mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ nhiều vào thời điểm này như rượu, bia, thuốc lá điếu ngoại, thực phẩm đóng chai, đóng hộp, bánh mứt, quần áo may sẵn, động vật quý hiếm, điện lạnh gia dụng, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em gây kích động bạo lực, pháo các loại…
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo cũng có xu hướng gia tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm. Bởi vậy, kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo chất lượng sau công bố, nhất là các mặt hàng thực phẩm như: giò, chả, bún, phở, bánh mứt, bia, nước giải khát, sữa, thực phẩm đông lạnh… rất được chú trọng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, nhất là kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Trung tuần tháng 12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014 trên địa bàn tỉnh. Theo Chỉ thị, cơ quan chức năng phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong dịp này, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá lên cao gây rối loạn thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là những nơi tập trung giết mổ, chế biến, tại các chợ, nơi mua bán tập trung. Tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói không với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách và các mặt hàng thiết yếu để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Hà Duy