Chiều 5-10 (theo giờ địa phương), Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8) đã bế mạc trọng thể tại Cung điện Hoàng gia ở Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.
Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”.
Hội nghị đã thông qua 16 Sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng… nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.
Hội nghị cũng hoan nghênh CHDCND Lào đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 vào năm 2012.
|
Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị ASEM 8 |
Trong 2 ngày Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các nội dung quan trọng là tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững, các thách thức toàn cầu, tình hình khu vực và các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM.
Về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác giữa hai châu lục.
Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường các nguồn lực cho tăng trưởng, khuyến khích các mô hình phát triển bền vững hơn, khắc phục các nhân tố đã tạo ra sự yếu kém của hệ thống tài chính trong giai đoạn trước khủng hoảng, bao gồm nợ công quá cao và sự mất cân đối toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo khẳng định Sáng kiến Chieng Mai ở châu Á và các cơ chế ổn định tài chính ở châu Âu là những công cụ hữu ích trong hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng tại các phiên họp của Hội nghị cấp cao, đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra các đề xuất thiết thực về những vấn đề lớn của Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cộng đồng quốc tế và ASEM cần tăng cường hợp tác nhằm khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chung cải tổ mạnh mẽ các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, đồng thời đề nghị các thành viên phối hợp trong hoạch định chính sách kinh tế - tài chính, tăng cường hợp tác để góp phần nâng cao hiệu quả thực sự của cơ chế G20.
Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, phát triển bền vững trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Cấp cao lần này. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, trong đó chú trọng 3 nhân tố: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Là một trong những lãnh đạo đầu tiên được mời phát biểu về chủ đề phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu nhiều đề xuất nhằm đưa ASEM trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Thủ tướng khẳng định: Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, coi đây là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, hơn bao giờ hết, phát triển bền vững đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia và đã trở thành yêu cầu mang tính toàn cầu. Thủ tướng đã đề xuất hai sáng kiến mới là tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội”. Cả hai sáng kiến này được nhiều thành viên như Anh, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Hàn Quốc đánh giá rất cao.
Về các vấn đề toàn cầu như thiên tai, an ninh con người, chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, xung đột vũ trang... Hội nghị nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là LHQ trong việc giải quyết các vấn đề này. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tăng cường hợp tác Á-Âu trong việc nâng cao năng lực phòng chống và phục hồi sau thiên tai.
Phát biểu về những diễn biến nổi bật ở hai châu lục, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng nhấn mạnh ASEAN hiện đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững vào năm 2015.
ASEAN tiếp tục là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực, là động lực chính thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế - thương mại khu vực thông qua tăng cường hợp tác trong các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á.
Thủ tướng nhấn mạnh, với vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, ASEAN đã trở thành một đối tác thiết yếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới, trong đó có các thành viên ASEM.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM, nâng cao đóng góp và vị thế của diễn đàn.
Các nhà lãnh đạo khẳng định cần tiếp tục làm phong phú hơn các hoạt động giao lưu với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân hai châu lục, từ giới doanh nghiệp, truyền thông đến các nhà học giả, thanh niên, sinh viên.
Ngay sau lễ bế mạc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy cùng Hoàng tử và Công chúa Vương quốc Bỉ đã đón chào các nhà lãnh đạo Á-Âu tới thăm Triển lãm văn hóa “Con đường tới châu Á - 2500 năm giao lưu Á-Âu”.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso |
* Trước đó, bên lề Hội nghị ASEM 8 tại Brussels, Vương quốc Bỉ, trong 2 ngày hôm qua và hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Estonia Andrus Ansip, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Thủ tướng Phần Lan Mari Kiviniemi, Thủ tướng Slovenia Borut Pahor, Thủ tướng Áo Verne Fayman và Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg.
Các vị lãnh đạo đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương với Việt nam và tăng cường phối hợp tại các diễn đàn hợp tác đa phương và khu vực. Các nước đều coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực, đánh giá cao sự điều hành của Việt nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN và tỏ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với nước ta.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết sẽ đến Việt Nam dự các Hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan trong tháng 10-2010 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Australia gia nhập Diễn đàn ASEM và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Australia nhất trí hai bên cần tích cực hoàn tất chương trình hành động để triển khai khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Estonia nhất trí hai bên cần sớm ký các thỏa thuận như Hiệp định Bảo hộ đầu tư, Hiệp định chống đánh thuế song trùng… nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cũng đã có các cuộc gặp làm việc với Cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại Hungaria G. Peter và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Malta Tonio Borg.